Nhiều lần, khi Sarita Lamichhane, một phụ nữ mù 30 tuổi, đi qua đường phố đông đúc và lộn xộn ở Kathmandu, ai đó sẽ dắt cô qua đường.
Lamichhane bị mù và đi lại trong giờ cao điểm không phải là chuyện dễ dàng đối với cô, nhưng điều đáng buồn là nhiều người giúp cô lại tranh thủ mò mẫm cơ thể cô. Lamichhane đã thề chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
"Nếu ai đó tìm cách giở trò với tôi, hắn sẽ không may mắn nữa”, Lamichhane nói. Cô là một thành viên trong nhóm phụ nữ khiếm thị - một số người còn nhìn thấy lờ mờ, một số người khác mù hoàn toàn - vừa hoàn thành khóa học tự vệ dành riêng cho những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt như họ.
Đã có hai nhóm phụ nữ khiếm thị hoàn thành khóa học tự vệ - Ảnh: AP
Công ty vệ sĩ Paritran ở địa phương đã tổ chức các khóa học miễn phí kéo dài hai tuần nhắm đến việc đánh giá hành vi của người lạ để sử dụng các vật dụng hàng ngày làm vũ khí tự vệ. Đến nay đã có hai nhóm phụ nữ khiếm thị hoàn thành các khóa học tăng cường này.
Vấn đề an ninh đối với phụ nữ trở thành mối quan ngại lớn đối với xã hội Nepal, sau khi phụ nữ nước láng giềng Ấn Độ thường xuyên trở thành đối tượng tấn công bạo hành.
Trên con đường mưu sinh hàng ngày, phụ nữ khiếm thị phải đối diện với nhiều mối nguy hiểm trên đường phố - Ảnh: AP
Trong khi các quan chức không có thống kê về các vụ tấn công phụ nữ khiếm thị ở Nepal, song những phụ nữ tham gia khóa học tự vệ nói rằng họ thường xuyên trở thành mục tiêu quấy rối tình dục khi bị đàn ông mò mẫm trên đường phố.