Phụ nữ cần được tiếp cận với giáo dục có chất lượng

Phụ nữ cần được tiếp cận với giáo dục có chất lượng

(GD&TĐ)-Phụ nữ và trẻ em gái cần được tiếp cận với giáo dục có chất lượng, đó là thông điệp được đưa ra tại hội thảo “Quyền và cơ hội của phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam” do Liên minh giáo dục vì mọi người và Trung tâm nghiên cứu – hỗ trợ giáo dục vì sự phát triển bền vững (ĐHSP Hà Nội) tổ chức hôm nay (8/5) tại Hà Nội.

Hội
Hội thảo “Quyền và cơ hội của phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam”. Ảnh: gdtd.vn

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về việc đảm bảo và thực hiện các quyền bình đẳng giới trong tiếp cận và hưởng thụ giáo dục có chất lượng ở Việt Nam; việc tăng cường hành động, tạo nhiều cơ hội tiếp cận và hưởng thụ giáo dục có chất lượng ở bậc phổ thông cho phụ nữ và trẻ em nữ, đặc biệt là những người nghèo và sống ở những nơi xa xoi, hẻo lánh; tăng cường cam kết, hợp tác và hành động nhằm đảm bảo giáo dục cho trẻ em nữ và quyền năng của phụ nữ trong giáo dục.

Theo PGS.TS.Nguyễn Thị Bích Hà (ĐHSP Hà Nội), tương quan so sánh giữa nam và nữ đến trường ở các cấp học hiện nay, nhất là giáo dục ở các bậc thấp không cách biệt nhau và ngày càng được thu hẹp.

Theo thống kê của UBVSTBPN năm 2009, học sinh nữ mẫu giáo chiếm 50%; con số này ở bậc tiểu học là 47,73%, THCS: 47,02%, THPT: 46,5%, THCN: 44,68% và CĐ-ĐH là 44,3%. Tỷ lệ biết chữ ở nữ độ tuổi từ 15 đến 24 là 96,67% (nam là 97,26%). 91% trẻ em gái và 92% trẻ em trai tốt nghiệp tiểu học vào học tiếp THCS. Lực lượng tham gia đào tạo, các cô giáo có mặt ở tất cả các bậc đào tạo, đặc biệt, lực lượng nữ ở các cấp học mầm non, tiểu học, THCS hết sức dồi dào. Ở bậc ĐH, tỷ lệ nữ GS, PGS, TS đã chiếm 30% trong tổng số các nhà khoa học, nhiều người trong số đó là những cán bộ đầu ngành, có uy tín khoa học và có đong góp to lớn cho sự nghiệp trồng người…

Ngành GD&ĐT hiện nay cũng có nhiều chương trình đào tạo khá linh hoạt nhằm hỗ trợ cho người học được đào tạo thường xuyên, đặc biệt là giáo dục đào tạo cho vùng sâu, vùng xa như chương trình xóa nạn mù chữ và giáo dục sau biết chữ; chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học; chương trình đào tạo bổ sung, giáo dục định kỳ, bồi dưỡng nâng cao trình độ…

Khẳng định, trong những thập kỷ qua, cộng đồng thế giới và Việt Nam đã làm được nhiều việc vì phụ nữ và trẻ em gái nhưng PGS.TS Trần Đức Tuấn – GĐ Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ GD vì sự phát triển bền vững (ĐHSP Hà Nội) cũng cho rằng, chúng ta cũng chưa thể hài lòng với những gì đã làm được. Hiện nay, cơ hội để tiếp cận và hưởng thụ nền giáo dục có chất lượng với mọi người đã khó, thì đối với phụ nữ và trẻ em gái nghèo khó lại càng trở nên khó khăn và xa vời hơn.

Theo PGS.TS Trần Đức Tuấn, khi bàn đến đấu tranh cho các quyền cơ bản của phụ nữ, chúng ta thường nhấn mạnh đến bình đẳng giới, đấu tranh chống phân biệt đối xử, kỳ thị trong gia đình và xã hội đối với phụ nữ… Điều này đúng nhưng chưa đủ. Trong cuộc đấu tranh để giải phóng thật sự phụ nữ cần chú ý đến một công cụ đặc biệt là giáo dục. Họ không chỉ cần được đến trường. Họ cần thực hiện quyền tới trường của mình và ở trường đủ thời gian cần thiết để phát triển tri thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để sinh tồn; quyền được có những điều kiện học tập tối thiểu cần thiết để có thể tận dụng được nhà trường và các cơ hội giáo dục khác, phát triển trọn vẹn khả năng…

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Lê Bảo khẳng định, giáo dục như là một phương tiện hữu hiệu trong việc giáo dục bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ. Trong đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ, trẻ em gái tiếp cận với những kiến thức cơ bản, đặc biệt là giáo dục công dân và giáo dục khoa học kỹ thuật để họ có thể ngang hàng với nam giới trong vấn đề hiện đại hóa và việc thể hiện khả năng và trách nhiệm.

Một nội dung giáo dục nữa đối với phụ nữ có hiệu quả, theo PGS.TS.Trần Lê Bảo là giáo dục và tìm hiểu về pháp luật để phụ nữ có ý thức về quyền thực sự của mình và những điều luật bảo vệ họ. Phụ nữ cũng cần được tham gia trực tiếp vào mọi sự cải tổ của hệ thống giáo dục cũng như chương trình và nội dung giáo dục…

Đề ra giải pháp để nâng cao quyền tiếp cận KHKT-CN của nữ cán bộ, giáo viên, NCS Đỗ Thị Lý (Trường THPT Lê Quy Đôn, Hải Phòng) cho rằng, cần hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của giáo dục; xây dựng môi trường thực sự dân chủ, tôn trọng và bảo vệ các điều kiện lao động sáng tạo, các chế độ đãi ngộ thích đáng với trí thức; có chính sách động viên và sử dụng hiệu quả những nữ cán bộ, giáo viên có sức khỏe, có trình độ, năng lực chuyên môn tốt nhưng đã hết tuổi lao động; thực hiện chính sách bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm; chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới, có các giải pháp cụ thể để tăng nhanh tỷ lệ phụ nữ được đào tạo trung cấp nghề, CĐ nghề, ĐH, sau ĐH…
 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ