Phụ huynh đừng tính thay con

GD&TĐ - Liên tục các ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ được tổ chức tại nhiều địa phương và nhà trường trước thời điểm kết thúc thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học (ngày 31/7). Nhiều thí sinh không an tâm, muốn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) do điểm thi của mình thấp hơn hoặc lo lắng trường/ngành mình ĐKXT có điểm chuẩn cao hơn.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Hà Nội ngày 21/7. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Hà Nội ngày 21/7. Ảnh: TG

Miễn cưỡng nghe lời phụ huynh

Bà Thái Yên là giáo viên ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, có con đăng ký xét tuyển khối C00 với điểm 24,5 thứ tự vào các ngành Luật kinh tế (Trường Đại học Luật Hà Nội), Luật (ĐHQG Hà Nội), Quản trị du lịch (Trường Đại học Văn hóa), Luật (Trường Đại học Mở Hà Nội), Sư phạm Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Bà Thái Yên băn khoăn có nên cho con thay đổi nguyện vọng hay không.

Lời khuyên của chuyên gia là điểm thi khối C của thí sinh đó như vậy là khá cao, tính toán ĐKXT là hợp lý, hoàn toàn có khả năng trúng tuyển không cần thiết phải thay đổi. Tuy nhiên, do là giáo viên nên phụ huynh này đã “thuyết phục” con đăng ký học sư phạm theo nghề của mẹ, thí sinh đó đã phải miễn cương nghe theo dù đây không phải ngành mình thích. Trường hợp của bà Thái Yên cũng điển hình cho nhiều phụ huynh khác không tôn trọng sở thích, quan điểm của con.

Nhiều phụ huynh và thí sinh không chỉ lo lắng sau khi kết quả thi không như kỳ vọng ban đầu và kể cả điểm của con có cao nhưng vẫn có tâm lý phải “thay đổi” nguyện vọng ĐKXT. Dẫn giải trên cho thấy, tâm lý thay đổi ngự trị ở rất nhiều phụ huynh khi áp đặt con mình vào những tính toán mà họ cho là đúng. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, đây là việc hoàn toàn không nên làm. Việc thay đổi nếu thấy điểm số của mình cách biệt với nguyện vọng là điều cần thiết, còn nếu tương đương thì nên để nguyên.

Các vị phụ huynh và thí sinh cần nhớ các nguyện vọng được các trường xét tuyển bình đẳng. Nếu không trúng tuyển NV1, thí sinh sẽ được trường NV2 xét tuyển bình đẳng với các thí sinh khác đăng ký vào ngành đó căn cứ vào điểm thi, không phân biệt thứ tự NV. Với cách xét tuyển như hiện nay, thí sinh chỉ cần quan tâm điểm của mình và điểm chuẩn tương ứng với nhau, không có độ chênh lệch quá lớn.

Thí sinh Nguyễn Tuấn Anh, ở Long Biên, Hà Nội, chia sẻ: Bản thân yêu thích ngành công nghệ thông tin nên ngay từ đầu đã ĐKXT vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Xác định mục đích chính là ngành này, lại thêm điểm thi đã biết và cũng khá cao (tổ hợp A với mức 25,5 điểm) nên Tuấn Anh yên tâm giữ nguyên nguyện vọng.

Tuấn Anh cho biết thêm: Bố mẹ và chị gái, người làm ngân hàng, người làm doanh nghiệp đều có vị trí cao, muốn em theo học kinh tế vì cơ hội việc làm và thăng tiến tốt hơn nên cũng có ý kiến tác động để em thay đổi. Tuy nhiên, em quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình, cuối cùng mọi người cũng phải tôn trọng ý kiến của em nên chỉ dừng lại ở lời khuyên còn quyết định là ở em. Giờ đây sau khi biết kết quả thi của mình, em hoàn toàn tự tin và theo nguyện vọng ngành nghề đã đăng ký.

Hãy là thí sinh thông thái

Theo tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các trường được toàn quyền tự chủ trong việc đưa ra quyết định tuyển sinh, nhưng phải đưa vào đề án tuyển sinh và công khai trên Cổng thông tin thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để kiểm tra và giám sát. Các thông tin này cũng phải khai báo trên trang nghiệp vụ tuyển sinh để phần mềm theo dõi, lọc các thí sinh không đủ điểm sàn ra khỏi nguồn xét tuyển của các trường. Quy định cũng yêu cầu các trường phải cập nhật danh sách nhập học lên cơ sở dữ liệu tuyển sinh để thống kê và kiểm tra việc thực hiện các điều kiện xét tuyển. Cổng thông tin tuyển sinh cũng công khai các thông tin về điểm sàn của các trường để xã hội, thí sinh và doanh nghiệp cùng đánh giá một cách khách quan uy tín của cơ sở đào tạo này.

Mùa tuyển sinh 2019 đang đến cao trào khi các thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng ĐKXT. Đây cũng là thời điểm các trường tăng cường hoạt động tư vấn tuyển sinh, từ các ngày hội cho đến tại trường mình. Tất nhiên, trường nào cũng nói tốt về mình, ngành học nào ở trường đó cũng hấp dẫn và cơ hội việc làm cao. Ở các ngày hội tư vấn tuyển sinh, nếu ai đó làm con số thống kê từ các gian hàng của các trường tham gia ngày hội sẽ nhận thấy một điều hết sức thú vị là tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp đều rất cao, nếu cộng các trường lại thì tỷ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp chắc chắn phải là con số đẹp như mơ, dường như cứ tốt nghiệp là việc làm rộng cửa đón mình.

Vẫn biết là quyền tự chủ trong tuyển sinh là của các trường, không phải không có chuyện nói quá để thu hút người học. Đã có chế tài xử lý về việc minh bạch và chính xác thông tin theo quy định, trường nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn khuyên thí sinh nên cân nhắc kỹ nguyện vọng cần hướng đến nhu cầu nguồn nhân lực và cũng cần chọn trường uy tín, chất lượng để theo học. Với mức điểm sàn của nhiều trường khác nhau từ 13 đến 24 điểm, nếu chỉ để vào một trường đại học thì thí sinh không quá khó khăn khi lựa chọn.

“Không phải tất cả những trường lấy điểm sàn thấp đều là những trường có chất lượng đào tạo thấp. Chúng ta cũng phải xác định GDĐH là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào thì các trường cũng không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển. Trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, một số ít trường có thể xác định điểm sàn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Đối với những trường hợp này, Bộ GD&ĐT đã có trao đổi với lãnh đạo nhà trường những thông tin chung về nguồn tuyển, phổ điểm, đánh giá chất lượng của từng ngưỡng xét tuyển… để khuyến cáo các trường cân nhắc trong việc quyết định chính sách chất lượng đào tạo của trường mình”.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng  Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ