Phụ huynh "dở khóc, dở cười" trông con mùa dịch COVID-19

Phụ huynh "dở khóc, dở cười" trông con mùa dịch COVID-19

Phụ huynh có người gửi con về quê cho ông bà hay thay phiên nhau nghỉ phép; người gửi con cho hàng xóm, họ hàng… hoặc được công ty cho làm việc online để trông con. Và kèm theo đó là vô số câu chuyện dở khóc dở cười khi các con tạm nghỉ học.

Dở khóc, dở cười… vì gửi con

Không sắp xếp được thời gian nghỉ phép dài ngày, chị Hồng Loan (ngụ tại một chung cư ở quận Thủ Đức) phải nhờ hàng xóm trông giúp cậu con lớp 1 để đi làm. 

Tuy nhiên, qua được tuần đầu tiên, đến tuần thứ hai hàng xóm đã phải “trả con về nơi sản xuất”, lý do là con chị rất hiếu động, hay nghịch ngợm. Nên hồi cuối tháng 2 vừa rồi, chị phải đưa con về Nghệ An gửi ông bà ngoại, dù việc di chuyển mùa dịch làm chị rất lo lắng.

Phụ huynh "dở khóc, dở cười" trông con mùa dịch COVID-19 ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Chị Loan kể, mới gửi bé được hai ngày đầu, hàng xóm khen, “bé ngoan lắm chị à” nhưng đến ngày thứ hai đã bắt đầu “mắng vốn”. Rèm cửa, tường nhà… đều được bé “khám phá” vẽ vời. Những ngày sau, con chị là người bày trò, nào là phá xà bông, mở khoá vòi nước để làm bể bơi trong nhà tắm khiến hàng xóm… lắc đầu ngao ngán.

Đỉnh điểm là con trai chị còn rủ mấy bạn xung quanh sang bấm chuông nhà hàng xóm liên tục dẫn đến chuông bị kẹt phải kêu thợ sửa. Giờ trưa các con dắt nhau ra hành lang nghịch ngợm và bị hàng xóm la lối. Trong lúc nóng vội, hai hàng xóm của chị đã có lời qua tiếng lại với nhau.

“Con cái phải nghỉ học do dịch bệnh là điều không phụ huynh nào muốn. Nhưng quả thật việc gửi con trẻ ở đâu, trông con ra sao khiến phụ huynh "đau đầu". Mang con đi làm thì chỉ được 1, 2 buổi thôi, còn gửi nhà hàng xóm thì đúng chỉ… sứt mẻ tình cảm. Nên tôi quyết định đưa cháu về quê. Gia đình tôi mới về Tết vào, nay lại về chi phí đi lại cũng tốn kém, đó là chưa kể di chuyển mùa dịch cả nhà ai cũng lo”, chị Loan cho hay.

Khác với chị Loan, chị Hà Anh (nhà ở quận Bình Thạnh) phải gửi hai con một bé 4 tuổi, bé 7 tuổi cho người em họ ở quận 9. Những ngày đầu các con chơi vui vẻ, hoà thuận nhưng những ngày sau liên tục gặp “sự cố”. 

Chị Hà Anh cho biết, bọn trẻ con hết phá trong bếp đến ra sân nhà, rồi ra khu đường nội bộ, sút bóng kiểu gì mà bể cả gương xe hơi của hàng xóm. Tới giờ ngủ trưa các con đâu có chịu yên, bốn năm đứa trẻ thì đứa này trêu đứa kia là đủ để người lớn nổi cáu... 

Phụ huynh "dở khóc, dở cười" trông con mùa dịch COVID-19 ảnh 2
Nhiều trẻ rất hiếu động khiến ba mẹ "bở hơi tai" trông con mùa dịch. Ảnh minh hoạ

Ở nhà nội trợ nên chị Hoài Thanh (ngụ tại quận Thủ Đức) có thời gian  chăm hai con trong đợt nghỉ kéo dài. Dù vậy, chị cũng phải “bở hơi tai” cùng con đi qua mùa dịch.

Chị Thanh cho biết, ngoài chuyện  cho các con ăn món gì trong 3 bữa chính, ăn bữa xế rồi chơi với con, còn cả việc bán đồ ăn online nên chị cũng “lao đao”.

Nghỉ học do dịch bệnh, đồng nghĩa với việc hạn chế ra chỗ đông người. Mà không phải khu nhà của ai cũng có khuôn viên để các con chơi, ai cũng có điều kiện để trông con. 

Chị Thanh bán đồ ăn online như trà sữa, bánh flan, rau câu nên ngày nào cũng tất bật làm đồ nếu có khách đặt. Những tưởng con ở nhà có thể phụ mẹ nhưng mọi thứ hoàn toàn đảo ngược như con làm rơi đồ, làm bể ly, đòi ăn vô tội vạ, … 

Bố mẹ làm online... "bở hơi tai" vì con

Con nghỉ học dài ngày, gia đình chị Mai Hải (ngụ tại quận 9) cũng vô số chuyện khóc, cười cùng con. Chị Hải đang làm tại một công ty cung cấp thiết bị công nghiệp tại Quận Phú Nhuận, thời gian con tạm nghỉ, chị có dẫn con đi làm theo. Nhưng được vài ngày đầu đã phải “cầu cứu” cô giáo mầm non của con trông giúp vì con... nghịch ngợm quá, ảnh hưởng đến mọi người trong phòng làm việc. 

Từ ngày công ty cho làm việc online, vừa làm chị vừa trông con với vô số chuyện.... bi hài. "Vì bé mới hơn 4 tuổi nên phải vừa làm, vừa trông con, rồi chuyện ăn uống.  Trưa con cũng không ngủ, đòi mẹ chơi đủ trò, nhiều lúc con quấy, phải tạm gác việc lại để chơi cùng con... chưa kể có lúc cũng cáu gắt, la con, khiến mẹ con tình cảm "sứt mẻ" hẳn. Chưa kể công việc sẽ không năng suất như lên văn phòng làm, nhưng không có phương án nào khác. Không thể gửi con về quê thời điểm này, cũng không biết gửi ai... nên phải chịu khó", chị Hải kể.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Quỳnh Như, nhân viên một công ty điện lạnh ở quận Tân Bình có con năm nay 3 tuổi cho biết, kể từ ngày con nghỉ học vì dịch Covid-19, gia đình chị rối như tơ. “Trước thời điểm được làm việc online, một tuần 6 ngày đi làm thì tôi phải xin nghỉ 2 ngày để chăm con thay chồng. Tháng lương vừa rồi bị giảm bởi nghỉ quá nhiều, trừ hết thưởng, hết chuyên cần… ”, chị Như nói.

Phụ huynh "dở khóc, dở cười" trông con mùa dịch COVID-19 ảnh 3
Trẻ nhỏ rất hiếu động, ham chơi nên nhiều phụ huynh "dở khóc, dở cười" với những trò nghịch ngợm. Ảnh minh hoạ

Bắt đầu từ đầu tuần này, công ty cho làm online, chị Như chia sẻ, ở nhà nhiều lúc con quấy, ăn vạ cả tiếng đồng hồ mà dỗ mãi không chịu nín, thế là hai vợ chồng lại cãi nhau. Nhà cửa ngày nào cũng ồn ào, nhiều lúc nghĩ lại cũng rất xấu hổ với hàng xóm.

Có thể thấy, dù chật vật để tìm cách trông con những ngày tạm nghỉ vì dịch, nhưng hầu hết các ông bố bà mẹ vẫn luôn ủng hộ quyết định cho con trẻ tạm nghỉ học để phòng dịch bệnh. Bởi theo học, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của học sinh là điều quan trọng nhất. Mọi khó khăn… đều có cách giải quyết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.