(GD&TĐ) - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định như vậy khi dẫn đầu đoàn liên ngành do Bộ GD&ĐT chủ trì đi kiểm tra việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại tỉnh Hưng Yên hôm nay 10/3.
Nội dung kiểm tra tập trung vào: công tác của BCĐ cấp tỉnh/thành phố; sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể; kết quả thực hiện 5 nội dung của phong trào, những chuyển biến, tiến bộ trong năm học 2010 – 2011, các sáng kiến trong phong trào; kết quả tham gia phong trào của đề án thuộc Bộ GD&ĐT.
Bản đồ tư duy do HS trường THCS Nguyễn Quốc Ân (thành phố Hưng Yên) xây dựng |
Trên cơ sở nội dung đó, đoàn đã trực tiếp kiểm tra tại một số trường học (từ mầm non tới THPT) ở thành phố Hưng Yên và huyện Khoái Châu.
Kết quả kiểm tra cho thấy, các thầy cô cho đến các em HS đều có ý thức rõ ràng về phong trào và triển khai đầy tâm huyết.
Cô Đỗ Hồng Hà, hiệu trưởng trường Tiểu học Dạ Trạch (Khoái Châu) cho biết từ khi triển khai phong trào, CSVC nhà trường được tăng cường đầu tư mạnh, mang lại bộ mặt mới khác hẳn so với chỉ gần 2 năm trước. Hầu hết các thầy cô qua khảo sát đều nhận định từ khi triển khai thực hiện phong trào, nhận thức của cả giáo viên lẫn HS đều có chuyển biến tích cực, đặc biệt trường học đã thực sự trở thành ngôi nhà thứ 2 của các em, tạo được sự say mê trong học tập cho các em, thông qua các phương pháp học tập mới, các trò chơi dân gian, môi trường học tập thân thiện...
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy ở một số đơn vị trường học, dù là ở vùng nông thôn không thiếu về diện tích đất, nhưng tỷ lệ bê tông hóa trong khuôn viên trường học quá lớn mà tỷ lệ cây xanh hầu như chưa đạt yêu cầu. Ở một số trường học còn thực trạng: Trường học khang trang, khuôn viên sạch đẹp nhưng khu vệ sinh của HS thì lại rất không đạt yêu cầu; trong nhiều lớp học các trang thiết bị cũng còn chưa đạt yêu cầu về vệ sinh và tiêu chuẩn an toàn.
Những điều này đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra để lãnh đạo địa phương, những người có trách nhiệm của ngành và nhất là các thầy cô của các đơn vị GD kịp thời có hướng giải quyết; để thực sự xây dựng nhà trường trở thành thân thiện với tiêu chí hàng đầu là trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn, thu hút HS đến trường.
Đánh giá về hiệu quả từ triển khai thực hiện phong trào, cô Lê Thị Lương - Trưởng phòng GD huyện Khoái Châu cho biết một trong những cái “được” nhất đó là ý thức của HS được nâng cao rõ rệt, không chỉ trong học tập.
Cô cho biết trước khi triển khai phong trào, hầu hết các đơn vị GD trên địa bàn huyện đều thiếu về bàn ghế đạt chuẩn, bảng tiêu chuẩn; nhưng sau gần 3 năm triển khai, bằng nhiều nguồn đầu tư trong đó nguồn đầu tư từ huy động xã hội hóa chiếm vai trò quan trọng (mội trong những nội dung chính của phong trào), đã giúp cho hầu hết các trường học có bảng chống lóa tiêu chuẩn và bàn ghế đạt chuẩn; 100% thầy cô biết sử dụng giáo án điện tự; nhưng quan trọng nhất là nhà trường không còn là nơi dạy chữ đơn thuần như trước mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn các em, rèn luyện kỹ năng sống và vốn sống cho các em.
Hiện 100% số trường học ở Khoái Châu (trừ các trường mầm non) đều đăng ký chăm sóc các di tích lịch sử, thắng cảnh văn hóa trên địa bàn; đó có thể nói là một “kênh” GD truyền thống hiệu quả nhất mà ngành GD đang cần.
Báo cáo về việc thực hiện phong trào của ngành GD toàn tỉnh, ông Trương Văn Hùng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên – cho biết, ngay từ khi phong trào được triển khai, 100% các trường học ở Hưng Yên đều đăng ký tham gia. Sở GD&ĐT Hưng Yên đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương và tranh thủ được sự ủng hộ của các cáp ủy đảng, chính quyền, khai thác mọi nguồn lực của địa phương tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, vì thế cho đến nay tỉnh Hưng Yên không có HS nào phải bỏ học vì “thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở” và còn phấn đấu “1 có”: “Có chỗ học tập ổn định, thuận tiện”.
Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh là một trong 5 nội dung của phong trào và là nội dung được rất nhiều trường chọn là nội dung đột phá trong triển khai thực hiện phong trào ở Hưng Yên. Cả 559/559 trường học trong tỉnh đăng ký tham gia phong trào đều có chương trình hoạt động tập thể hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và tổ chức thực hiện chương trình thường xuyên đạt hiệu quả không khí nhà trường luôn vui tươi, lành mạnh. Trong số này có 387 trường đã đưa các trò chơi dân gian vào các hoạt động tập thể, hoạt động vui chơi giải trí của HS tại trường.
Đánh giá về kết quả phối hợp liên ngành trong việc triển khai phong trào, ông Trương Văn Hùng cho biết trên cơ sở phối hợp chỉ đạo của các ban ngành, đoàn thể đã tạo ra sự đồng thuận trong mỗi ngành, đoàn thể, đóng góp vào phong trào thi đua theo thế mạnh của mình, thông qua chương trình phối hợp để tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn hệ thống chính trị, xã hội chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, vì tương lai của mỗi gia đình và tương lai của quê hương đất nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu kết luận đợt kiểm tra |
Phát biểu tổng kết kết quả công tác kiểm tra, bên cạnh việc đánh giá cao nỗ lực của các ban ngành tỉnh Hưng Yên nói chung và ngành GD tỉnh nói riêng trong nỗ lực triển khai phong trào, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng lưu ý Hưng Yên cần đẩy mạnh hơn nữa nội dung GD văn hóa truyền thống cho HS thông qua các trò chơi dân gian, chăm sóc các di tích lịch sử, thắng cảnh trên địa bàn nhà trường. Đối với các công trình trường học, nhất là đối với các công trình trường học đã và sẽ được triển khai xây dựng, cần hết sức chú ý tới khu vực vệ sinh đúng chuẩn. Những trường học có khu vệ sinh không đạt chuẩn cần sớm có hướng khắc phục, bảo đảm an toàn sức khỏe cho HS.
Đối với chương trình giaó dục thường xuyên, nhất là việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày tới đây, Thứ trưởng lưu ý tuyệt đối không được biến buổi dạy thứ hai thành buổi nhồi nhét kiến thức mà phải dạy theo nhu cầu và sở thích HS, làm phong phú tăng cường thời lượng cho các môn HS có thể vừa học vừa chơi như nhạc, họa, thể dục... Bên cạnh đó, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy - học ra sao để vừa có một phương pháp hiện đại, hiệu quả mà thu hút được sự say mê của cả người dạy lẫn người học cũng được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đặt ra, coi đó là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Theo Thứ trưởng, trong quá trình triển khai phong trào, sáng kiến của các đơn vị GD là rất đáng quý và cần phát huy. Mỗi đơn vị giáo dục khi triển khai phong trào đều lựa chọn trọng tâm riêng cho mình, tạo nên sự phong phú và đa dạng; tuy nhiên, các mô hình tốt nên được nhân rộng và không ngại học hỏi những mô hình hay, mô hình tốt mà đơn vị bạn đã thực hiện thành công.
Thứ trưởng đề nghị trong triển khai phong trào thời gian tới đây, BCĐ tỉnh đặt ra một kế hoạch chung mang tính đặc trưng của địa phương trong từng giai đoạn cụ thể. Đối với mỗi Phòng GD, mỗi đơn vị GD lại lập ra kế hoạch triển khai riêng cho mình với những trọng tâm phù hợp với đặc thù địa phương và điều kiện riêng, để phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” không ngừng được đẩy mạnh trên toàn tỉnh, không chỉ trong 3 năm, 4 năm mà trong suốt cả sự nghiệp “trồng người” ở mọi thế hệ của tỉnh nhà.
Nhất Nguyên