Phòng tránh lây lan và nguy cơ tử vong

GD&TĐ - Thủy đậu biến chứng nặng nhất là gây viêm não - màng não hết sức nguy hiểm. Bệnh nhân có thể tử vong nếu để muộn và cấp cứu không kịp thời.

Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây lan do virus Varicella - Zoster gây ra.
Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây lan do virus Varicella - Zoster gây ra.

Biến chứng của thủy đậu

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội), cho biết, bệnh thủy đậu nguy hiểm nếu như không được điều trị đúng phương pháp và kịp thời. Căn bệnh này có thể biến chứng nhanh chóng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Theo đó, thủy đậu biến chứng viêm da do bội nhiễm vi khuẩn thì nốt thủy đậu có mưng mủ. Vì vậy, khi khỏi thường để lại sẹo, đôi khi là sẹo rất sâu, khó hồi phục, dễ nhầm với nốt đậu mùa. Nếu người bệnh bị suy dinh dưỡng nặng, nốt thủy đậu có thể hoại tử. Nếu nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết.

Biến chứng của thủy đậu có thể gây viêm tai, viêm thanh quản, viêm phổi. Một số trường hợp nặng có thể gây viêm thận cấp. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Thậm chí có thể để lại di chứng sau này, xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh, người lớn và ở những người có hệ miễn dịch kém. Thủy đậu biến chứng nặng nhất là gây nên viêm não - màng não hết sức nguy hiểm. Bệnh nhân có thể tử vong nếu để muộn và cấp cứu không kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, nếu mắc thủy đậu bẩm sinh thì khả năng điều trị hầu như rất là khó. Bởi vì bị thủy đậu bẩm sinh có nghĩa là em bé đã bị những tổn thương từ khi còn nằm trong bụng mẹ.

Những tổn thương bao gồm trong não, mắt bị đục thủy tinh thể hoặc mù, chân tay ngắn hoặc những vết sẹo trên da… trở thành di chứng. Trẻ mắc thủy đậu bẩm sinh khi ra đời khó có khả năng điều trị, mà chỉ hỗ trợ những di chứng đã có.

Thủy đậu thường lây qua đường hô hấp như dịch tiết mũi họng của người bệnh. Thông thường, virus thủy đậu có trong nước bọt của người mắc bệnh. Khi những người này ho, nói chuyện hoặc hắt hơi, virus có trong nước bọt có thể bắn ra ngoài không khí.

Nếu người lành hít phải sẽ bị nhiễm virus. Thủy đậu cũng lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp. Đây là con đường lây truyền bệnh thủy đậu nhanh nhất, khi người lành tiếp xúc trực tiếp với nốt mụn nước hoặc vùng da nhiễm virus của người bệnh. Virus từ những nốt mụn này lây sang người lành và gây bệnh.

“Không phải trực tiếp chạm vào nguồn bệnh, song virus thủy đậu có thể tồn tại trong tự nhiên với thời gian khá lâu. Nếu người bệnh vô tình chạm tay hay sử dụng vật dụng, khiến virus bám trên đó và người lành tiếp xúc sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Các vật dụng dễ truyền virus gồm: Khăn mặt, chăn màn, gối, giường chiếu…”, bác sĩ Hải thông tin.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp tiếp xúc, lây nhiễm virus thủy đậu đều gây khởi phát bệnh ngay. Nếu người lành chưa có khả năng miễn dịch, virus thủy đậu xâm nhập vào miệng, đường hô hấp trên. Dần dần virus nhân lên với số lượng lớn, chúng sẽ dần lan tràn đến da và niêm mạc làm khởi phát bệnh.

Một số lưu ý

Phụ nữ mang thai cần tránh tiếp xúc với bệnh nhân thuỷ đậu.

Phụ nữ mang thai cần tránh tiếp xúc với bệnh nhân thuỷ đậu.

Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus sẽ gây sảy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, nhẹ cân, chậm phát triển... Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh, trẻ sẽ bị lây bệnh rất nặng với mụn nước nổi nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp.

Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng lây lan bệnh trong cộng đồng, người lớn mắc bệnh phải nghỉ làm tránh tiếp xúc với người khác. Trẻ nhỏ mắc bệnh phải nghỉ học từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt bọng nước khô vảy hoàn toàn. Đồng thời sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa.

Ngoài ra, cần vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Đồng thời tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng ở của người bệnh, đồ vật nhiễm mầm bệnh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Vì là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi bị thủy đậu, việc đầu tiên là nên cách ly người bệnh cho tới khi khỏi hẳn. Theo đó, để người bệnh nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng Mặt trời từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy. Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch. Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng, vải mềm, thấm hút mồ hôi.

Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Đối với trẻ em, nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.

Cần cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả. Dùng dung dịch xanh Milian để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ. Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc. Có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: Nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh.

Người bệnh cần lưu ý tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài. Khi phát hiện, nên đưa người bệnh mắc thủy đậu đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ