Một phóng viên khi đưa tin Bí thư TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cách ly Đà Nẵng như "kinh nghiệm Vũ Hán" đã bị một độc giả viết thư điện tử chỉ trích nặng nề (nếu không muốn nói là lăng mạ với những từ ngữ vô cùng thiếu văn hóa) vì cho rằng phóng viên "ủng hộ" phong tỏa Đà Nẵng.
Quay trở lại với đề xuất của Bí thư TP Hồ Chí Minh. Ông cho rằng cần áp dụng biện pháp cao nhất cho Đà Nẵng để ngăn chặn dịch bệnh bởi một trong những tiêu chí để Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố quốc gia có dịch là bình quân có 10 người nhiễm nCoV trên một triệu dân. Nước ta hiện ghi nhận 2,7 người nhiễm trên một triệu dân nên về tổng thể vẫn an toàn.
Tuy nhiên, riêng Đà Nẵng đã vượt 10 lần tiêu chí của WHO vì thành phố có hơn 1 triệu dân nhưng đã ghi nhận hơn 100 ca nhiễm. Đó là chưa kể, theo thông báo của Bộ Y tế, việc lây nhiễm ở Đà Nẵng đã diễn ra âm thầm khoảng 2 đến 2,5 chu kỳ (một chu kỳ khoảng 2 tuần) nên có thể còn nhiều ca bệnh chưa được phát hiện.
Vào thời điểm Vũ Hán bị phong tỏa (sáng 23/1/2020), tình hình dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng rất cao. Tính đến ngày 4/2, tức gần 2 tuần sau phong tỏa, tại Vũ Hán có hơn 400 người chết và hơn 20.000 ca nhiễm bệnh được ghi nhận. Trong khi đó, Đà Nẵng dù có hơn 100 người nhiễm/dân số 1 triệu người nhưng chủ yếu lây nhiễm trong bệnh viện, tỷ lệ lây ngoài cộng đồng rất thấp.
Hơn nữa, Vũ Hán cách ly tuyệt đối ngay từ đầu, không để người dân ra/vào thành phố để ngăn dịch bệnh lây lan; còn ở Đà Nẵng hàng chục nghìn du khách và người dân đã tỏa đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các biện pháp phòng chống dịch đang áp dụng ở Đà Nẵng (thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế giao tiếp và tập trung đông người, phong tỏa bệnh viện có ca lây nhiễm, lập bệnh viện dã chiến; cách ly các trường hợp F1, F2…) được các chuyên gia y tế đánh giá là phù hợp và hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Đà Nẵng là thành phố động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là cửa ngõ phía Đông của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây; có khoảng 30 nghìn doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện hoạt động tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động… Do vậy, để trả lời được câu hỏi có cần thiết phong tỏa Đà Nẵng như cách Trung Quốc đã làm với Vũ Hán hay không thì trước đó Chính phủ và chính quyền Đà Nẵng phải trả lời được hàng loạt câu hỏi khác.
Đó là với tình hình dịch bệnh hiện nay, có đến mức phải phong tỏa Đà Nẵng không? Phong tỏa liệu có hiệu quả hơn so với những biện pháp chúng ta đang áp dụng ở Đà Nẵng không? Tác động của phong tỏa Đà Nẵng với kinh tế, xã hội, an sinh của địa phương này và của cả nước sẽ như thế nào, liệu người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế có chịu đựng nổi không khi vẫn còn đang thoi thóp vì đợt dịch lần trước?
Tất cả những yếu tố này cần được tính toán, cân nhắc thật kỹ lưỡng để không gây ra những hệ quả đáng tiếc và bảo đảm tinh thần thực hiện mục tiêu kép - vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - như chỉ đạo của Chính phủ.