Phong phú hình thức giáo dục kỹ năng giao tiếp

GD&TĐ - Cô giáo Phạm Thị Hương - Trường Tiểu học Thị Trấn Cẩm Thủy trong quá trình giảng dạy đã rút ra nhiều giải pháp giáo dục kỹ năng giao tiếp cho học sinh tiểu học.

Phong phú hình thức giáo dục kỹ năng giao tiếp

Giáo dục kĩ năng giao tiếp qua các tiết học

Thông qua các tiết học, giáo viên có thể lồng ghép giáo dục kĩ năng giao tiếp cho học sinh.

Ví dụ, trong tiết Kể chuyện, giáo viên yêu cầu học sinh kể lại câu chuyện cho cả lớp nghe, giúp học sinh rèn kĩ năng giao tiếp trước đám đông, mạnh dạn và tự tin, nói năng ngày càng lưu loát hơn.

Khi kể xong, giáo viên mời các bạn nhận xét, trao đổi về nội dung ý nghĩa câu chuyện, nhận xét về tính cách của các nhân vật trong truyện, giúp các em tạo cảm giác tự tin khi trao đổi một vấn đề, cách giải quyết một vấn đề có hiệu quả nhất.

Trong tiết Khoa học, qua việc tổ chức học nhóm rèn cho học sinh kĩ năng giao tiếp trước các bạn, kĩ năng hợp tác cùng chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong một công việc.

Trong tiết Toán, khi học sinh đánh giá, nhận xét bài làm của bạn, các em đã được rèn kĩ năng giao tiếp một cách đúng mực và kĩ năng chia sẻ.

Chẳng hạn: Bạn làm sai, nhận xét là: "Theo tớ, cách giải thế này" chứ không nói là:"Cậu làm sai rồi" hoặc nhận xét một cách không tế nhị…

Giáo dục kĩ năng giao tiếp qua học nhóm

Tổ chức nhóm tạo cơ hội cho mọi đối tượng được nói, được trình bày miệng trước tổ, được mạnh dạn trình bày và biết cách trình bày một vấn đề nào đó trước tập thể.

Từ đó, học sinh rèn kỹ năng giao tiếp, biểu hiện thái độ cử chỉ khi trình bày để tăng thêm sức biểu cảm, tăng sức thuyết phục của vấn đề mà mình trình bày, cũng nhờ đó, các em tự tin hơn trong giao tiếp, mạnh dạn hơn khi nói trước đông người.

Khi dạy Khoa học ở lớp 4: Tổ chức cho học sinh hoạt động theo nhóm, với nhiệm vụ mỗi em trong nhóm cùng thảo luận bàn bạc và đi đến thống nhất một nội dung mà giáo viên yêu cầu thảo luận, cử một bạn ghi vào bảng nhóm kết quả đã thống nhất.

Khi thực hiện xong nhiệm vụ; tổ chức cho các nhóm trình bày trước lớp để cả lớp cùng nhận xét về cách trình bày của nhóm bạn. Giáo viên thận trọng quan sát tất cả hoạt động giao tiếp của học sinh, sau đó nhẹ nhàng nhắc nhở.

Hoặc, qua việc tổ chức học nhóm các môn Tiếng Việt, Đạo đức, Khoa học.. học sinh tự giác và chủ động tìm và nói ra kiến thức đã khám phá.

Mỗi khi báo cáo kết quả, giáo viên chú ý rèn học sinh ý thức tôn trọng và lắng nghe ý kiến của bạn, của nhóm khác, tự tin và tự giác cùng trao đổi, bàn bạc để hoàn thành nhiệm vụ chung của nhóm, dám nói ra suy nghĩ hoặc bảo vệ ý kiến của nhóm mình trước tập thể, trước các nhóm khác một cách đúng đắn, theo hướng tích cực.

Giáo dục kĩ năng giao tiếp trong sinh hoạt đội

Hoạt động Đội là hoạt động tập thể có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh lớp 4, vì có những em vừa mới được kết nạp vào Đội ở đầu năm lớp 4.

Chính hoạt động Đội giúp các em thấy mình dường như lớn lên, trưởng thành hơn, vào Đội các em được giao lưu, học hỏi với các bạn đội viên khác trong trường, được hoạt động chung, được tham gia các phong trào, các cuộc thi do Đội tổ chức.

Qua hoạt động Đội rèn cho các em nhiều kĩ năng giao tiếp mới, đó là giao tiếp với các anh chị phụ trách chi đội, các Đội viên, các Sao, giao tiếp với các bạn trong Ban chỉ huy liên đội, tạo cho các em giao tiếp trong các mối quan hệ đa dạng hơn.

Từ đó, các em biết giao tiếp phù hợp trong các tình huống của môi trường mới mà người đội viên tham gia.

Giáo dục kĩ năng giao tiếp thông qua các hoạt động tập thể khác

Giáo viên cần chú ý rèn kĩ năng giao tiếp cho học sinh không chỉ trong học tập, trong sinh hoạt Đội mà cả trong cả các hoạt động tập thể, bao gồm: Hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đầu giờ.

Để rèn được kĩ năng giao tiếp, giáo viên phải cùng sinh hoạt với các em, lắng nghe đồng thời hướng học sinh giao tiếp một cách lịch sự, không chỉ chích nhau trong tiết sinh hoạt mà chỉ khuyên các bạn cố gắng khắc phục những khuyết điểm, phát huy những ưu điểm để thực hiện một cách tốt hơn trong tuần tiếp theo…

Giao tiếp trong các hoạt động vui chơi

Hoạt động vui chơi, đặc biệt là trong giờ ra chơi, học sinh thường có những biểu hiện không tốt bằng trong giờ học. Phần lớn học sinh mắc lỗi vào giờ ra chơi.

Vì thế trong giờ ra chơi, giáo viên cần theo dõi, quán xuyến đến mọi học sinh trong trường, trong lớp, chú ý xem các em chơi trò chơi gì, nói năng với nhau ra sao, nhắc nhở những học sinh còn nói năng chưa phù hợp.

Có như vậy học sinh mới chú ý rèn cách nói của mình cho đúng cho phù hợp. Giáo viên cũng cần hướng học sinh tham gia các trò chơi lành mạnh, có ý nghĩa, có tinh thần tập thể như: chơi chuyền, chắt, nhảy dây, đá cầu, kéo co.

Những trò chơi đó góp phầ giáo dục học sinh kĩ năng giao tiếp với nhau và tạo ra tinh thần đồng đội.

Giáo dục kĩ năng giao tiêp khi ở nhà

Thực tế cho thấy nhiều học sinh ở trường rất ngoan nhưng về nhà lại ngược lại. Lí do là vì ở trường có các thầy cô và các bạn theo dõi và đánh giá xếp loại hạnh kiểm, còn ở nhà thì không.

Để các em vừa giao tiếp tốt ở trường vừa giao tiếp tốt ở nhà và ở mọi nơi, mọi lúc, có thể hướng dẫn học sinh cùng học nhóm ở nhà để từ đó các em theo dõi, giúp nhau trong cả học tập lẫn ứng xử.

Đồng thời, thông tin hai chiều giữa giáo viên và phụ huynh học sinh, trao đổi một cách thường xuyên về tình hình của con em ở nhà.

Em nào mắc lỗi hay cư xử chưa đúng mực khi ở nhà, nhẹ nhàng gặp riêng để nói chuyện, nhắc nhở và khuyên bảo.

Giáo dục kĩ năng giao tiếp kết hợp với giáo dục các kĩ năng khác

Kĩ năng giao tiếp là một trong 21 kĩ năng mà học sinh cần có và rèn luyện. Học sinh có kĩ năng giao tiếp tốt sẽ tạo điều kiện cho 20 kĩ năng khác cũng tốt hơn.

Vì thế, người giáo viên phải coi việc giáo dục kĩ năng khác cũng có ý nghĩa quan trọng như giáo dục kĩ năng giao tiếp cho học sinh, phối kết hợp giáo dục kĩ năng giao tiếp cùng với việc giáo dục các kĩ năng khác theo địa chỉ tích hợp trong các môn học theo qui định và mọi lúc, mọi nơi phù hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ