(GD&TĐ) - Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ dịch bệnh đến từ nhiều phía. Đó là virus cúm A/H5N1 có những diễn biến phức tạp, H7N9 đang cận kề. Ông Phát cho biết: Với kinh nghiệm 10 năm phòng chống dịch, liên Bộ Y tế và NN&PTNT đã đồng loạt triển khai các biện pháp phòng dịch từ Trung ương đến địa phương. Đồng bộ và quyết liệt, quy trách nhiệm cho từng đơn vị không để tình trạng “trên quyết liệt, dưới thờ ơ” dẫn đến việc dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Đồng Tháp có 10% đàn gia cầm dương tính với virus H5N1, Ninh Thuận cũng vừa công bố chim yến nhiễm virus này. Vậy ngành NN&PTNT làm thế nào để kiểm soát tình hình?
Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát |
- Hiện nay sự đe dọa lây lan của dịch bệnh H5N1 đến từ nhiều phía do virus đang có mặt ở nhiều nơi, trên đàn gia cầm, chim nuôi và chim hoang dã... Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch từ nước ngoài vào Việt Nam. Do vậy, ngành NN&PTNT đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, trước hết là tăng cường giám sát, phát hiện những nơi có virus để thực hiện các biện pháp kỹ thuật, ngằn ngừa sự lây lan. Bộ NN&PTNT cũng đã yêu cầu cơ quan thú y, các địa phương tăng cường kiểm soát ở biên giới, ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia cầm từ nước đang có dịch vào Việt Nam, trong đó phải ngăn chặn triệt để việc buôn lậu gia cầm. Mặt khác, ở trong nước, Bộ tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và tổ chức tiêm phòng ở những nơi có nguy cơ cao, bao gồm những nơi đã có ổ dịch trên đàn thủy cầm, nơi nhạy cảm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…
Chim yến không thể nuôi nhốt như gia cầm, thủy cầm. Theo ông, làm cách nào để khống chế dịch từ chim yến cũng như hạn chế khả năng bùng phát dịch?
- Việc có mặt virus trên đàn chim yến là thách thức với ngành thú y bởi loại chim này được nuôi ở nhiều nơi, không chỉ có Ninh Thuận, chim được nuôi tự do (không nuôi nhốt) nên không thể tiêm phòng vacxin. Việc kiểm soát dịch trên đàn chim yến gặp nhiều khó khăn nên Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, thực hiện việc lấy mẫu để phát hiện những đàn chim lây nhiễm H5N1. Tiếp đó là thực hiện các giải pháp kỹ thuật mà cơ quan thú y hướng dẫn như tiêu độc khử trùng, trong trường hợp đàn chim đã nhiễm bệnh thì phải tiêu hủy chim cũng như tổ chim, phân để ngăn ngừa virus lây lan.
Bên cạnh đó vấn đề quan trọng vẫn là tuyên truyền và phổ biến thông tin sâu sát đến người nuôi và người dân sống ở khu vực nuôi chim yến.
Năm 2005 Bộ có quy định về việc xử lý các sản phẩm bệnh từ động vật. Vậy các sản phẩm từ chim yến mắc bệnh sẽ xử lý như thế nào?
- Theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, với đàn chim yến mà phát hiện có virus thì phải xử lý kể cả tổ, chất thải của đàn chim đó. Còn ở nơi khác, nếu kết quả xét nghiệm âm tính với virus thì vẫn có thể lưu hành nhưng cơ quan thú y phải giám sát và khuyến cáo với người tiêu dùng thận trọng khi sử dụng, chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn.
Đứng trước nguy cơ xảy ra đại dịch kép (H5N1 và H7N9), ông nhận định thế nào về khả năng ứng phó của các đơn vị liên quan?
- Nguy cơ là rất lớn nhưng Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh này 10 năm nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân chúng ta có thể khống chế được dịch bệnh.
Minh Ngọc (Thực hiện)