Phòng chống Covid-19: Đóng góp nhỏ bé của họa sĩ 15 tuổi

Phòng chống Covid-19: Đóng góp nhỏ bé của họa sĩ 15 tuổi

Khi sắc màu nói lời yêu thương

Trần Nam Long mê mẩn màu sắc và hình khối từ khi còn bé. Hơn 2 tuổi, bé đã biết hí hoáy tô màu rất chỉn chu. Lớn hơn một chút, bé Long mê mải với những khối lego sắc màu và nghệ thuật gấp giấy Origami, tự sáng tạo những hình khối độc đáo, sắc màu rực rỡ. 11 tuổi, lần đầu tiên cậu bé câm điếc và tự kỷ được mẹ đưa đi học vẽ. Nhưng ngay sau đó, bố Long bị tai nạn qua đời. Mẹ Long bùi ngùi: “Học phí 400.000 đồng/tháng là một khoản chi quá lớn với ba mẹ con khi ấy, nên buổi học đầu tiên cũng là buổi học cuối cùng. Về sau thấy thương quá, em lại phải tìm mọi cách cho con đi học tiếp”.

Cô giáo cũ dạy Long hồi lớp Một khuyên mẹ Long gửi tranh của con trai tham gia một cuộc thi tại một trung tâm dạy vẽ cho thiếu nhi gần Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội). Nhận tranh, thầy giáo rất ngạc nhiên vì sự khác biệt của bức tranh so với các bạn đồng trang lứa. Một bức tranh của Long được giải đặc biệt của cuộc thi, Long được nhận học vẽ miễn phí. Bức tranh này sau đó được bán đấu giá trong Chương trình Vòng tay ấm tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô năm 2012 để ủng hộ Chương trình Cơm có thịt của Quỹ Trò nghèo vùng cao.

“Long gặp thầy như cá gặp nước. Ngày nào em cũng chở con đi học vẽ. Có những ngày con học tới 8 giờ tối”, mẹ Long nhớ lại. Thầy giáo của Long là Hữu Chinh, thủ khoa đầu ra Khoa Sơn mài - Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp 2016. Được khoảng 6, 7 tháng thì thầy nghỉ. Long cũng học vài buổi với thầy cô khác, nhưng do trình độ chênh lệch với các bạn nên không học được. Sau này, họa sĩ Trịnh Thị Thuận (tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) nhận Long vào học miễn phí.

Phòng chống Covid-19: Đóng góp nhỏ bé của họa sĩ 15 tuổi ảnh 1
Tranh của Trần Nam Long tham gia đấu giá ủng hộ Quỹ Phòng chống Covid-19 của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Rời bỏ “vòng an toàn”

Dù chỉ làm nghề giúp việc gia đình, nhưng chị Hiếu, mẹ Long, luôn theo sát sự phát triển năng khiếu hội họa của con trai. Ngay từ hồi mới cho con đi học vẽ, người mẹ đã băn khoăn khi thấy Long mê mải vẽ tranh từ những bức ảnh chụp. Mặc dù biết rằng khi vẽ lại như thế, Long cũng đã xử lý bố cục, hình khối, màu sắc theo thẩm mỹ riêng, nhưng chị vẫn muốn con thoát khỏi bốn bức tường, mở mang tầm nhìn và có cảm xúc chân thực. “Em muốn con được nhìn ngắm thực tế và cảm nhận, bởi vẽ lại ảnh tức là đã nhìn nhận thông qua con mắt của nghệ sĩ nhiếp ảnh rồi. Em mong con thoát ra được cái vòng an toàn của nó”, mẹ Long nói. Đó cũng là lý do chị động viên con đi vẽ ký họa.

Phòng chống Covid-19: Đóng góp nhỏ bé của họa sĩ 15 tuổi ảnh 2
Chân dung mẹ.

Hàng ngày, Long thường đạp xe loanh quanh gần khu nhà trọ, chọn cảnh để vẽ. Tình cờ gặp gỡ, Trưởng nhóm Ký họa Hà Nội Trần Thị Thanh Thủy, một giảng viên Trường Kiến trúc, đã mời Long tham gia nhóm. Thế là cuối tuần cậu bé lại được mẹ chở đi ký họa cùng nhóm kiến trúc sư. Nhờ những buổi trực họa ngoài trời, Long tự tin hơn nhiều. Cậu bé cũng mạnh dạn hơn trong tiếp xúc, hễ có ai hỏi chuyện thì Long trả lời bằng cách viết ra giấy, nhưng gặp câu hỏi nào khó quá thì gãi đầu gãi tai và... cười. Long cũng thực tập các kỹ thuật ký họa chì đen, màu nước, mực tàu... Cậu bé đặc biệt yêu thích kiến trúc, nhất là những tòa kiến trúc Pháp. Bức ký họa ngôi biệt thự Yên Thế của Long đã được chọn triển lãm ở Bảo tàng Hà Nội. Bức ký họa biệt thự 39 Tô Hiến Thành cũng được bán đấu giá ủng hộ Ủy ban MTTQ Việt Nam phòng chống Covid-19. Bức tranh ấy Long dành khoảng 10 ngày để hoàn thiện.

Phòng chống Covid-19: Đóng góp nhỏ bé của họa sĩ 15 tuổi ảnh 3

Tình yêu của mẹ

Dù có khó khăn về giao tiếp, nhưng lúc nào cậu bé cũng tràn trề tình cảm. Năm 2018, lần đầu tiên trong bức chân dung do Long vẽ, người mẹ hiện lên với chiếc khăn quàng rực rỡ, ấm áp, nhưng ánh mắt buồn xa thẳm. Vẽ xong, Long hỏi mẹ: “Mẹ buồn phải không? Mẹ dễ thương. Long yêu mẹ lắm”. Hoàn thành bức tranh “Bếp lửa”, Long thì thào với mẹ: “Mẹ ơi, lớn lên Long nấu cơm cho mẹ ăn nhé”. Long cũng vẽ tranh tặng một người bạn cùng hoàn cảnh với mình ở bên kia địa cầu. Cây cọ và màu sắc thay em nói lời yêu thương.

Long mải mê vẽ từng ngày, với sự đồng hành của mẹ. Từ ngày sinh con, người mẹ quê Vĩnh Phúc quyết tâm lên Hà Nội thuê nhà “bám trụ”, vì “Long bị khiếm thính, nếu về quê thì không có cơ hội gì cả. Em phải cố gắng cho con ở Hà Nội để học hành, tiếp xúc với mọi người và còn có cơ hội”, mẹ Long nói.

Phòng chống Covid-19: Đóng góp nhỏ bé của họa sĩ 15 tuổi ảnh 4
Bức tranh này đã bán đấu giá thành công và gửi tặng 50% cho Quỹ Phòng chống Covid-19, MTTQ Việt Nam.

Sau khi chồng mất, đã gần chục năm, chị bươn chải một mình nuôi hai đứa con nhỏ. “Long không chỉ câm điếc mà còn bị tự kỷ, hay ngồi cười một mình và lắc đầu ngây ngô. Phải lo đủ thứ, vừa lo kinh tế, vừa lo dạy con, áp lực lắm. Có những lúc không làm thế nào để truyền đạt được ý của mình với con, con thì lo lắng và sợ sệt vì không hiểu mẹ, em thấy bất lực lắm. Thế là lại ngồi khóc”, mẹ Long tâm sự, “em phải cố rất nhiều, vì nếu không dạy được con là mình thua cuộc”. 

Thế là người mẹ lại gồng lên, vừa bươn chải lo kiếm tiền, vừa lo đưa con đi học. Con đi học ở trung tâm giáo dục dành cho trẻ tự kỷ, mẹ ngồi ngoài lắng nghe và học phương pháp dạy con. Mẹ cũng là người chia sẻ, lắng nghe, động viên Long những khi cậu bé bị mất cảm xúc hay cảm thấy hoang mang, lo sợ. “Không sao, con cứ thử đi, mệt thì nghỉ, xong lại làm tiếp. Nếu chưa được thì lại nghỉ rồi làm. Được cái Long rất kiên trì và cố gắng, trong bất kỳ việc gì cũng vậy”, mẹ Long kể.

Không chỉ khiếm khuyết về nghe nói, Long còn bị tật bàn chân bẹt, hụt xương bàn chân. Năm 2018, cậu bé đã mổ giải phóng gân, sau đó đeo nẹp chỉnh hình. Cái nẹp kẹp vào bàn chân vô cùng đau đớn. Sau hai năm, hành trình nhọc nhằn ấy vẫn chưa kết thúc. Càng lớn, sức nặng cơ thể càng khiến cậu bé đau đớn. Vị bác sĩ người Pháp điều trị cho Long nói cậu bé cần được ghép xương bàn chân để có thể đi lại bình thường. Mùa hè này, mẹ con Long lại bắt đầu một “cuộc chiến” mới: Cắt xương chậu ghép với xương bàn chân. 

Mẹ Long tâm sự: “Lần mổ trước, Long nhận được sự giúp đỡ của nhiều mạnh thường quân. Lần này, em không dám làm phiền mọi người nữa. Mẹ con em trông đợi vào tiền bán tranh của Long để trang trải chi phí thôi”.

Mẹ Long bật mí: “Cuối năm nay, Long sẽ tổ chức triển lãm cá nhân, như một lời tri ân với những người đã yêu mến và ủng hộ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ