Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường học đường: Nâng cao năng lực ở các địa phương

GD&TĐ - Thời gian qua, các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực hiện yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, ngày 4/4, Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ GD&ĐT đề xuất một số giải pháp ưu tiên phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt trong môi trường học đường 2019-2020.

Buổi làm việc về đề xuất một số giải pháp ưu tiên phòng, chống bạo lực
Buổi làm việc về đề xuất một số giải pháp ưu tiên phòng, chống bạo lực

Chủ trì cuộc họp có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, các Cục, vụ của các Bộ, ngành, liên quan.

Đề xuất 4 nhóm giải pháp ưu tiên trong phòng, chống chống bạo lực

Tại cuộc họp, Bộ LĐTBXH đề xuất 4 nhóm giải pháp ưu tiên trong phòng, chống chống bạo lực, xâm hại trẻ em: Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trọng tâm là phòng, chống bạo lực trẻ em trong trường học;phối hợp với Bộ GD&ĐT tập huấn năng cao năng lực cho cán bộ quản lý Sở LĐTBXH, Sở GD&ĐT các tỉnh thành phố trong triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em;

Phối hợp với Ban Tuyên giáo TƯ và Bộ TTTT trong chỉ đạo, hướng dẫn truyền thông về vụ việc xâm hại trẻ em, đảm bảo quyền bí mật đời sống riêng tư, đặc biệt trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại tình dục; phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành tại các bộ, ngành địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ LĐTBXH với Bộ GD&ĐT về phòng, chống bạo lực học đường
Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ LĐTBXH với Bộ GD&ĐT về phòng, chống bạo lực học đường 

Về phía Bộ GD&ĐT, tăng cường GD pháp luật về quyền và bổn phận trẻ em và bảo vệ trẻ em; tăng cường GD đạo đức, bổ phận trẻ em theo quy định Luật trẻ em; GDHS kiến thức, kỹ năng mềm, kỹ năng tự bảo vệ…thông qua tổ tư vấn tâm lý, các diễn đàn, tọa đàm…; tăng cường công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học, tiếp tục nhân rộng mô hình phòng tư vấn tâm lý trong trường học theo Thông tư số 31;

Phối hợp với Bộ LĐTBXH, Bộ Công an thống nhất quy trình phối hợp trong việc phát hiện, xác minh, hỗ trợ và xử lý các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em trong trường học; triển khai quảng bá về tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trong trường học; thanh tra, kiểm tra rà soát về tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ trẻ em đối với các cơ sở GD mầm non; phối hợp với các chuyên ngành về Khoa học tâm lý tư vấn học đường…; xây dựng nội dung truyền thông về ứng xử văn hóa, đạo đức, lối sống…

Trách nhiệm của toàn xã hội

Thứ trưởng đề nghị cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực trong trường học ở các địa phương. Hiện nay chúng ta đã có Thông tư về tư vấn tâm lý, tuy nhiên còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, vì vậy bồi dưỡng công tác tư vấn tâm lý học đường cần được chú ý nhiều hơn.

Với các đề xuất của Bộ LĐTBXH, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, phòng, chống bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Khi bạo lực học đường xảy ra, trách nhiệm không phải chỉ thuộc về các thầy cô giáo mà còn là trách nhiệm của địa phương, gia đình. Bộ GD&ĐT rất cần có sự phối hợp liên ngành để đảm bảo an toàn cho trẻ trong phòng chống bạo lực học đường.

Bộ LĐTBXH cần hỗ trợ các nhà trường kỹ năng phòng chống bạo lực học đường cho nhà trường ở các địa phương, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ trẻ em, HS, GV; cần tăng cường trách nhiệm của các chính quyền địa phương trong phòng, chống bạo lực học đường.

Cuộc họp đã thống nhất đưa ra 5 nhóm giải pháp chung về các thể chế, chính sách thực hiện phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em như: cần có bổ sung và đưa ra các giải pháp chung phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương; Trách nhiệm của người lớn trong mô hình Nhà trường – gia đình- xã hội; Giải pháp chung đối với việc tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật; GD kỹ năng phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục cho các em.

Trong đó hội nghị cũng đưa ra các giải pháp riêng như đối với GD mầm non, tăng cường kỹ năng, phương pháp sử dụng tình huống, đạo đức nhà giáo, biện pháp tâm lý. Làm thế nào để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho GV để họ yêu nghề, gắn bó với nghề.

Đối với THCS, THPT, đưa ra nhiều nội dung, đặc biệt là vấn đề tư vấn tâm lý học đường, các giải pháp trong các tài liệu, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật của các Cục, vụ đi vào nhà trường một cách hiệu quả. Trường học cần phối hợp với cơ quan LĐTBXH tại địa phương để phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em một cách hiệu quả.

Khuyến cáo đối với các Bộ, ngành quy định trong luật về tăng cường phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em. Trách nhiệm của các cơ quan địa phương trong việc phòng, chống bạo lực học đường.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ LĐTBXH sẽ thảo luận, đánh giá, rà soát lại nguyên nhân vì sao xảy ra bạo lực học đường, tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan, phối hợp xử lý nghiêm minh bạo lực học đường, kiểm tra các địa phương để tăng cường trách nhiệm trong việc phòng chống bạo lực học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ