Phòng chống bạo lực học đường - cần tổ hợp các phương pháp

GD&TĐ - Bạo lực học đường xuất hiện trong môi trường giáo dục khiến dư luận bất bình. Cần ngăn chặn và giảm thiểu bạo lực nhằm hướng tới một môi trường giáo dục tích cực, thân thiện - là những chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý, nguyên giảng viên Trường ĐHSP I Hà Nội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

*Bà có những chia sẻ gì về sự gia tăng của vấn nạn bạo lực học đường hiện nay?

Theo tôi, thời gian gần đây đã có những biểu hiện của một sự bất ổn lớn trong trường học. Rất nhiều vấn đề đã xảy ra và tất cả xã hội đều cần phải nhìn nhận lại. Việc giáo viên dùng bạo lực với học sinh, hay việc phụ huynh xông thẳng vào trường hành hung giáo viên đều cần phải lên án.

Ngôi trường là một xã hội thu nhỏ nên khi nó bất ổn, chúng ta phải tìm ra những giải pháp để giảm thiểu những bất ổn đó. Nhưng nhiều vấn đề không còn chỉ nằm trong phạm vi của nhà trường. Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể và quyết liệt để giải quyết các vấn đề này. Môi trường học đường thân thiện, phương pháp giáo dục tích cực chắc chắn sẽ giảm bớt những tiêu cực ngoài xã hội.

* Nhiều vụ việc gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề pháp luật, đạo đức, bà thấy nguyên nhân sâu xa là gì?

Theo tôi, nguyên nhân không hề ít. Chúng ta sẽ điểm mặt một số nguyên nhân quan trọng nhất. Thứ nhất, đó là những chính sách có thể nói là đôi khi chưa hợp lý của phía các ban ngành giáo dục. Chúng ta còn đánh giá giáo viên bằng thành tích của học sinh thì vấn nạn điểm số và áp lực thành tích còn đè nặng, tạo ra bức xúc cho những thành viên trong nhà trường.

Thứ hai, nhiều giáo viên thiếu các kĩ năng xử lý vấn đề. Theo dõi và tiếp xúc với các giáo viên, đặc biệt các giáo viên lâu năm, đã rời khỏi ghế trường sư phạm, tôi nhận thấy: Hầu hết các giáo viên điều khiển học sinh và hoạt động giáo dục dựa trên các mệnh lệnh và sự áp đặt. Những biện pháp tâm lý không được sử dụng nữa.

Tôi lấy ví dụ: Khi cho học sinh làm bài tập, thay vì liên tiếp nhắc nhở học sinh không tập trung, giáo viên có thể suy nghĩ và tìm các phương thức thu hút học sinh vào bài tập mình giao. Nhưng hiện nay, các giáo viên không dành thời gian cho việc đó. Hầu như họ giám sát và kỉ luật nhiều hơn. Đây cũng là một lý do lớn dẫn đến thiếu kiềm chế trong những tình huống cụ thể trong lớp.

Thứ ba, về phía phụ huynh, họ đã vô tư hạ bệ vị trí người thầy. Tôi đã từng lên tiếng: Xin đừng bẻ gãy mọi vũ khí giáo dục của người thầy. Thật sự, có thể có những ứng xử nghiêm khắc xảy ra (ở đây, ta bỏ qua những vụ hành xử bạo lực), nhưng rõ ràng những luật lệ nghiêm khắc của họ sẽ giúp con em mình trưởng thành.

Tuy nhiên, chỉ nhìn thấy một vết bầm trên chân con mà cũng lao đến trường hành hung và hạ nhục cô giáo như tình huống ở Nghệ An thì thật sự tôi không thể hiểu nổi. Các phụ huynh dường như quên hẳn rằng giáo dục cần có sự nghiêm khắc để học sinh trưởng thành.

Bên cạnh đó, học sinh lại được quá nuông chiều nên sinh nhiều thói hư tật xấu. Đã có những học sinh cư xử với thầy cô giáo thiếu lễ độ, thậm chí ăn miếng trả miếng với giáo viên, hành hung bạn bè và thầy cô giáo. Vì vậy, những vụ việc bạo lực mới xảy ra liên tiếp và nhiều đến như vậy.

*Vậy theo bà, để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra cần phải có những giải pháp tích cực nào để làm trong sạch môi trường học đường hiện nay?

Theo tôi, có lẽ chúng ta cũng cần đến tổ hợp các phương pháp và cần áp dụng đồng loạt trong thời gian tới. Đó là các phương pháp sau đây: Tạo ra bộ quy tắc ứng xử trong trường học dành cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Bộ quy tắc ứng xử này như một bộ luật đặc biệt và nếu một thành viên nào đó vi phạm sẽ bị buộc phải rời khỏi trường. Với bộ quy tắc ứng xử được áp dụng chặt chẽ, nghiêm túc thì những vụ việc bạo lực sẽ giảm hẳn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giải pháp tình thế.

Cần tăng cường kĩ năng xử lý vấn đề cho giáo viên và tăng cường các kĩ năng giáo dục trẻ bằng các biện pháp tâm lý. Việc tăng cường đó không phải là tập huấn tập trung mà đơn giản đôi khi là những buổi xêmina trong trường để giáo viên thảo luận về các tình huống và các cách xử lý các vấn đề xảy ra nhằm tìm ra hướng giải quyết hợp lý nhất. Khi đó các giáo viên cũng sẽ nâng cao được kĩ năng xử lý các vấn đề.

Chúng ta cũng cần tư vấn cho phụ huynh về giáo dục trẻ trong gia đình. Những quan niệm giáo dục sai lầm như quá bao bọc, chiều chuộng và bảo vệ con đến mức không còn khả năng tự lo cho bản thân sẽ cần được thay đổi để học sinh có thể trưởng thành. Giáo viên và phụ huynh cũng cần có những buổi trao đổi trực tiếp và thẳng thắn về các vấn đề của trẻ cũng như những biện pháp giáo dục hữu hiệu. Khi có sự trao đổi rõ ràng, mọi ức chế sẽ được hóa giải.

*Theo bà đối với giáo viên và học sinh có cần được trang bị những kiến thức về giáo dục đạo đức, pháp luật không?

Đây không phải là CẦN mà là PHẢI. Là công dân của một quốc gia, việc hiểu biết sâu rộng về pháp luật để thực hiện cho chuẩn xác là nghĩa vụ của công dân chứ không nói đến vị trí thầy hay trò. Các nội dung này chắc chắn cần đẩy mạnh hơn nữa nhằm đảm bảo xây dựng một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa.

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện. Trong báo cáo mới đây về can thiệp và hỗ trợ theo đường dây nóng 18001567 phản ánh về bạo lực trẻ em thì trong 689 ca bạo lưc trẻ em, có đến 06/10 ca bạo lực thân thể, trong đó: 04 ca bạo lực gia đình, 02 ca bạo lực học đường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ