(GD&T Đ) - Ở thời điểm hiện tại, khan hiếm nước sạch đã trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu. Người dân ở các quốc gia như Bangladesh, Azerbaijan, Madagasca và Haiti đang phải dùng những nguồn nước ô nhiễm vào bậc nhất trên thế giới. Các sinh viên ở đại học Washington (Mỹ) đã có một giải pháp có thể khắc phục tình trạng này với mức chi phí rất rẻ.
Nhóm này gồm: Chin Jung Cheng, Charlie Matlack, Penny Huang và Jacqueline Linnes tham gia cuộc thi của một tổ chức phi lợi nhuận ở Bolivia với tên gọi Fundación SODIS để phát triển cách làm sạch nước mới dựa trên phương thức SODIS.
SODIS (Solar Disinfection of water in plastic bottles) là một quá trình được hiểu như sau, bạn cho đầy nước vào một chai nhựa, rồi để ở ngoài ánh nắng mặt trời trong một thời gian nhất định. Nhiệt năng cũng như tia cực tím sẽ tiêu diệt 99.9% vi khuẩn cũng như virus có trong nguồn nước đó. Tuy nhiên, cho đến giờ, chưa có cách đơn giản nào để biết rằng đến khi nào thì nguồn nước đó tinh khiết hoàn toàn.
Các sinh viên này đã gắn thêm một thiết bị có khả năng nhấp nháy khi nước tiếp xúc với ánh sáng. Khi các phần tử trong nước hấp thụ ánh sáng, thiết bị sẽ nhấp nháy. Khi không còn phần tử nào nữa, nó sẽ ngừng nhấp nháy. Khi đó chúng ta có được chai nước tinh khiết.
Thiết bị đơn giản này có giá chỉ 3.40 đô la Mỹ và nếu sản xuất hàng loạt thì giá còn hạ hơn nữa. Quỹ Rockerfeller đã cung cấp 40.000 đô la Mỹ cho nhóm này với hi vọng họ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa ý tưởng của mình.
Linh Ngọc (Theo PC world)