Thay mặt lãnh đạo, giảng viên, sinh viên của Học viện, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cho biết: Học viện được hình thành trên cơ sở nâng cấp Trường Cán bộ Thành phố mà tiền thân là Trường Đảng khu uỷ Sài Gòn-Gia Định được thành lập tháng 5/1965. Từ đó đến nay, Học viện đã liên tục phát triển, lớn mạnh với cơ ngơi khang trang và hiện đại.
Hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng, liên kết đào tạo với các học viện, các trường đối tác ở Trung ương và các quận, huyện trong Thành phố đã không ngừng được mở rộng và nâng cao. Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế có bước khởi sắc góp phần nâng cao vị thế và giá trị của Học viện.
Đặc biệt, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 là một sáng kiến nổi bật và ngày càng khẳng định chất lượng đào tạo của Học viện Cán bộ TPHCM. Với nhiều nỗ lực và cố gắng, đến nay Học viện đã có 158 cán bộ, viên chức, giảng viên với 97% có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Năm học 2016-2017, Học viện đào tạo 299 lớp với 27.117 học viên, trong đó có 149 lớp trung cấp lý luận chính trị-hành chính với 11.630 học viên.
Học viện đã đa dạng hoá chương trình đào tạo cho nhiều đối tượng khác nhau, như mở lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện; đào tạo tiền công chức cho công chức dự bị; bồi dưỡng chuyên viên và các chức danh tương đương.
Đặc biệt, năm 2016, Học viện đã tổ chức tuyển sinh và triển khai đào tạo hệ đại học chính quy ngành Quản lý Nhà nước với 498 sinh viên. Đây là bước phát triển mới của Học viện nhằm góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đội ngũ cán bộ, công chức cho Thành phố và cả nước trong thời gian tới.
Nói chuyện thân mật với cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện Cán bộ TPHCM, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao những thành quả mà Học viện Cán bộ TPHCM đạt được trong hơn 50 năm xây dựng và phát triển. Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Học viện phát huy truyền thống và kết quả đạt được, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra trong quá trình thực thi công vụ, đa dạng hoá hình thức đào tạo, tập trung cải cách hành chính trong bộ máy của Học viện, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, nghiên cứu khoa học và thực tiễn cuộc sống.
Các em học viên của Học viện cần luôn cùng nhau “rèn đức, luyện tài, kiến tạo tương lai”, không ngừng nỗ lực, rèn luyện trong học tập và nghiên cứu khoa học để sau này trở thành công chức, viên chức, người lao động có phẩm chất, trí tuệ, năng động, sáng tạo, góp phần phát triển đất nước và phục vụ nhân dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Học viện - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cuộc cách mạng số sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đến công tác quản lý Nhà nước, cải cách hành chính và nhiều lĩnh vực khác của Thành phố. Chúng ta cần dự báo và chuẩn bị trước cho những tác động này, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng và Thành phố luôn giữ vững vị trí “năng động, sáng tạo, đổi mới, đi đầu, đột phá”. Điều này được thể hiện rõ nét trong thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về quyết tâm xây dựng Chính phủ “kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”.
Chỉ rõ những vấn đề đặt ra với công tác cải cách hành chính hiện nay, Phó Thủ tướng khẳng định: Sau 15 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực trên các mặt như cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cải cách tài chính công và hiện đạo hoá nền hành chính.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế thì nền hành chính hiện này vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, việc ban hành văn bản quy phạm còn chậm, thiếu đồng bộ, một số trường hợp không đạt yêu cầu, còn mang tính cục bộ, lợi ích nhóm, thiếu khả thi và không phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Do đó, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ xác định cải cách hành chính là một trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Để thành công phải có sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện của bộ máy hành chính các cấp với việc tập trung vào các trọng tâm như: Phải tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, loại bỏ sự can thiệp trực tiếp của cơ quan hành chính Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn giản hoá, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp thực hiện cũng như giám sát, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp.
Cả bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở phải luôn toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp chung của đất nước. Mọi chính sách, việc làm của cán bộ, công chức đều phải vì lợi ích của nhân dân, không để lợi ích nhóm chi phối. Các thành viên Chính phủ, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ công chức lãnh đạo các cấp phải gương mẫu trong việc thực hiện, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ trong tất cả các khâu từ tuyển dụng, sử dụng đến đánh giá, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm, thu hút và sử dụng người tài.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay khâu thực thi chính sách là khâu yếu nhất, vẫn còn tình trạng nói chưa đi đôi với làm, thờ ơ, vô cảm trước những đòi hỏi bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Phải kiên quyết xoá ngay tình trạng này. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là cán bộ, công chức các cấp phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm.
Như vậy, chúng ta phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá. Các cơ quan hành chính không đùn đẩy khó khăn mà phải tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức đều phải thể hiện vai trò là công bộc của nhân dân, tận tụy phục vụ, hướng dẫn nhân dân, không gây phiền hà, sách nhiễu.