Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá đã thu được những kết quả nhất định. Các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu. Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá ban hành cách đây 2 năm quy định khá toàn diện nhiệm vụ của từng cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.
Tuy nhiên, tình hình buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn diễn ra công khai, ngang nhiên ở nhiều nơi. Nguyên nhân quan trọng là người đứng đầu các cấp, các ngành chưa tập trung chỉ đạo và đấu tranh quyết liệt. Việc thanh tra, kiểm tra, xác định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan chức năng chưa làm thường xuyên, quyết liệt. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành công vụ, thậm chí bao che, tiếp tay cho buôn lậu.
Theo Phó Thủ tướng, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng buôn lậu thuốc lá. Do đó, thời gian tới, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quán triệt và trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải chủ động, tích cực hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.
Địa phương nào xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp, kéo dài, nhức nhối thì người đứng đầu chính quyền địa phương và người đứng đầu các lực lượng chức năng trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Liên quan đến việc xử lý số thuốc lá lậu thu được, Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Tái xuất thì hiệu quả rõ về kinh tế, nhưng về pháp lý có bảo đảm không, có phù hợp với Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, trong khi thời gian qua dư luận cho rằng việc tiêu hủy là phản cảm, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí và tốn ngân sách? Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu, xem xét kỹ tính khả thi của từng phương án.
Về phương án lâu dài, theo Phó Thủ tướng, các tỉnh cần có kế hoạch phát triển kinh tế khu vực biên giới, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương, địa bàn trọng điểm khu vực biên giới.
Hiệp hội Thuốc lá, các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và các tổ chức xã hội-nghề nghiệp có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ cụ thể, thiết thực để người dân ổn định và cải thiện đời sống, không tham gia vào buôn lậu.