Phó Thủ tướng Thường trực làm việc với Tỉnh ủy Hà Giang

GD&TĐ - Ngày 26/4, Đoàn khảo sát số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương 6 do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng đoàn khảo sát đã có cuộc làm việc với Tỉnh ủy Hà Giang về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình làm việc với Tỉnh ủy Hà Giang. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình làm việc với Tỉnh ủy Hà Giang. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Đại hội XII của Đảng cũng nhận định: Việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội còn chậm, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chức năng và nhiệm vụ ở một số tổ chức còn chồng chéo.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; thẩm quyền và trách nhiệm của cán bộ công chức, nhất là trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ; mô hình tổ chức đảng ở một số lĩnh vực chưa thật hợp lý; việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ quan tổ chức Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức kết quả còn thấp…

Do vậy, việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của Đảng ta. Đây là vấn đề khó vì liên quan đến cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, rất cần sự đóng góp của các cấp ủy đảng, nhất là kinh nghiệm từ thực tế cơ sở.

Để bảo đảm nội dung khảo sát phục vụ cho Đề án của Trung ương, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đại biểu cần tập trung báo cáo, trao đổi, thảo luận một số vấn đề lớn như sau: Tập trung đánh giá phương thức lãnh đạo của Đảng các cấp trong việc ban hành chủ trương, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở Trung ương và địa phương. Thuận lợi và khó khăn trong tổ chức và hoạt động khi lập tổ chức đảng tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước. Thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và cán bộ đảng viên hoạt động trong các tổ chức của địa phương, cơ quan, đơn vị; đề xuất nội dung đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, của các cấp ủy và tổ chức đảng đối với tổ chức và hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Về quản lý và tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh Hà Giang nêu rõ những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện quy định về quản lý và tinh giản biên chế thời gian qua. Qua đó đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để phù hợp với tình hình thực tế; cơ chế đánh giá, tuyển chọn, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức sao cho hiệu quả, bảo đảm đánh giá thực chất cán bộ, công chức, viên chức; thay đổi cơ chế quản lý cán bộ, công chức, biên chế sự nghiệp, cơ chế quản lý, cấp ngân sách cho các tổ chức trong hệ thống chính trị như khoán kinh phí phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, khoán kinh phí hành chính, cơ chế quản lý đơn vị sự nghiệp công lập hiệu quả.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Sự nghiệp phát triển của đất nước đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay. Từ thực tiễn của mình, tỉnh Hà Giang có nhiều ý kiến đóng góp rất tốt cho đoàn khảo sát. Kết quả triển khai cho thấy Hà Giang nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Đảng đối với vấn đề này, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận cụ thể trên toàn Đảng bộ như tinh giản biên chế, sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp trên địa bàn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.