Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Nghiêm khắc phê bình địa phương để xảy ra sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018

GD&TĐ - Sáng 6/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn trong kỳ họp Quốc hội lần này. Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; trong đó cần đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
 

Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ năm 2016 đến nay, các Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giảm áp lực cho HS và phụ huynh, giảm chi phí của xã hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã phát sinh tiêu cực trong gian lận thi cử ở một số địa phương. Đúng như các đại biểu Quốc hội đã nêu, trong đó kỳ thi năm 2018 vừa qua tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có trên 500 bài thi được nâng điểm.

“Ngay sau khi có thông tin về hiện tượng gian lận trong Kỳ thi THPT 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm. Chính phủ nghiêm khắc phê bình các địa phương để xảy ra sai phạm. Yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo đúng quy định. Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với những trường hợp thí sinh bị ảnh hưởng”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.

Cũng theo Phó Thủ tướng, đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Về Kỳ thi THPT quốc gia 2019 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay: Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để chấn chỉnh bất cập còn tồn tại; giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đăng đàn trả lời chất vấn câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên). Đại biểu Hiền đề cập, đã đến lúc chúng ta cần hình thành khung pháp lý để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chuẩn hóa khái niệm, quan niệm về văn hóa, đạo đức, nét đẹp truyền thống của dân tộc trong tiến trình xây dựng luật pháp và quản lý Nhà nước bằng bộ ngôn ngữ tiếng Việt đã trung tính và khách quan chưa.

Về câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là những khuyến nghị rất đúng về sự cần thiết phải có khung pháp lý để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, chuẩn hoá các khái niệm, quan niệm về văn hoá, đạo đức, nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin thêm: Thực tế chúng ta đã có khung pháp lý với rất nhiều quy định, kể cả ở luật, thậm chí Hiến pháp, các nghị định, các thông tư, cộng với các quy chế hương ước mang tính cục bộ ở từng địa phương, từng cơ quan đều đã có. Tuy nhiên chúng ta cần phải không ngừng hoàn thiện, bổ sung và có những thứ phải sửa đổi và khi đã ban hành rồi thì tổ chức thực hiện nghiêm. Nếu có vi phạm thì xử lý.

“Vấn đề tiếng Việt, tôi rất đồng tình với kiến nghị này. Thực tế, tại Kỳ họp thứ 4 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị là phải xem xét, ban hành một luật về tiếng Việt và việc này Bộ VH,TT&DL đã có văn bản trả lời. Tôi xin báo cáo thêm là Chính phủ rất quan tâm vấn đề này, Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học, Xã hội và Nhân văn Việt Nam, trong đó có Viện Ngôn ngữ đã nghiên cứu 10 đề tài cấp bộ về các khía cạnh khác nhau để chuẩn bị cho luận cứ xem đến thời điểm nào chúng ta xây dựng luật này. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ VH,TT&DL, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ GD&ĐT cùng phối hợp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Theo Phó Thủ tướng, gần đây có rất nhiều hoạt động bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã được tổ chức. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng chú ý rất nhiều đến vấn đề này. “Trong chương trình soạn thảo sách giáo khoa mới, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý vấn đề trong sáng của tiếng Việt ngay trong sách giáo khoa từ mẫu giáo trở lên”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…