Cùng ngày, tại UBND huyện Lục Ngạn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao món quà gồm 460 bộ quần áo đồng phục cho học sinh trường tiểu học Đèo Gia - Ảnh: Chinhphu.vn |
Tại các điểm tiếp xúc, nhiều ý kiến kiến nghị, đề xuất của các cử tri đã gửi đến các đại biểu Quốc hội. Trong đó, trọng tâm là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng nông thôn, vấn đề dạy thêm – học thêm…
Trước những ý kiến của cử tri về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ đền bù cây cối, hoa màu tại Trường bắn Quốc gia (TB 1) của Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng khẳng định đây là một trong những dự án cấp quốc gia, đồng thời là một trong những dự án có chính sách đền bù tốt nhất hiện nay đối với người nông dân.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang tìm hiểu kỹ, tập trung giải quyết dứt điểm, đảm bảo đúng chính sách để cuộc sống của người dân bị thu hồi đất sớm ổn định.
Trước phản ánh của cử tri về tình trạng các xã miền núi của huyện Lục Ngạn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xóa đói giảm nghèo so với các xã vùng xuôi, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bắc Giang sớm nghiên cứu, tổ chức thảo luận sâu để tổng hợp, đánh giá lại cơ cấu nông nghiệp ở địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất phương hướng về cây trồng và vật nuôi chiến lược, góp phần thoát nghèo, giảm nghèo đối với 13 xã miền núi của huyện Lục Ngạn.
Tại buổi tiếp xúc cử tri TP. Bắc Giang, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời những kiến nghị, thắc mắc của các cử tri.
Ngoài ra, nhiều vấn đề các cử tri quan tâm thuộc thẩm quyền địa phương như: sách tham khảo cho học sinh bán tràn lan, ô nhiễm môi trường, quốc lộ, tỉnh lộ xuống cấp, tình trạng cắt điện liên tục không có lịch báo trước…đã được các Sở, ngành của Bắc Giang trả lời công khai, dân chủ, thấu đáo, được sự đồng tình của những người tham dự.
Với ý kiến của cử tri về việc dạy thêm, học thêm đang tràn lan ở các thành phố lớn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nhu cầu dạy thêm, học thêm hiện nay là một thực tế. Ngành giáo dục địa phương cần chấn chỉnh tình trạng này theo hướng người dạy phải đăng ký với cơ quan chức năng để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho người học.
Từ những thông tin đăng ký, chính quyền các cấp sẽ có điều kiện kiểm soát chặt chẽ việc dạy và học thêm, tránh gây ra những bức xúc của xã hội.
PV