"Phố núi" của Tây Nguyên, tại sao không?

Vấn đề này được xới lên khi Ban Kinh tế trung ương cùng Tỉnh ủy Đắk Lắk tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 60 của Bộ Chính trị, đồng thời tìm hướng phát triển, giải pháp để đưa Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm của Tây Nguyên.

"Phố núi" của Tây Nguyên, tại sao không?

Đã có nhiều ý kiến đóng góp, gợi ý về giải pháp, hướng phát triển để Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm, "phố núi" của các tỉnh Tây Nguyên thay vì chỉ là "phố núi" của Đắk Lắk. Dưới đây là một số ý kiến:

* PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng):

Phát triển Buôn Ma Thuột phải trong chiến lược quốc gia

PGS.TS Trần Đình Thiên

PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng)

Nhìn lại lịch sử phát triển Buôn Ma Thuột trong 10 năm qua, có thể thấy đà phát triển của TP Buôn Ma Thuột không hơn gì Đắk Lắk, thậm chí tốc độ tăng trưởng dịch vụ - lĩnh vực chủ lực của đô thị - lại kém hơn tăng trưởng chung của toàn tỉnh. Điều đó cho thấy vai trò trung tâm vùng của Buôn Ma Thuột chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.

Khi trung ương xác định Buôn Ma Thuột là trung tâm phát triển vùng, đó là một lợi thế. Tuy nhiên, khái niệm "ưu thế trung tâm" chưa được định hình rõ ràng. 

Buôn Ma Thuột là trung tâm của vùng, đó có phải trung tâm hội nhập quốc tế hay phải là đầu tàu, có vai trò dẫn dắt. Nếu muốn có vai trò dẫn dắt các đô thị, địa phương khác, Buôn Ma Thuột phải phát triển hơn cả về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và phải là trung tâm khởi nghiệp.

Đã là trung tâm vùng là phải tạo được sức hấp dẫn. Mà muốn có sức hấp dẫn phải có chương trình phát triển, là nơi hội tụ kinh tế của Tây Nguyên. 

Nói đến Tây Nguyên, lợi thế phải là nông nghiệp, trồng được nhiều thứ nhưng thu hoạch lại chở đi nơi khác, toàn bán thô. Như vậy, Buôn Ma Thuột có lợi thế chế biến nhưng chưa được tận dụng khi nông sản thô được đưa về Bình Dương, TP.HCM để chế biến...

Phải có suy nghĩ, hành động khác để phát triển Buôn Ma Thuột, coi đó là nhiệm vụ quốc gia với chương trình và đầu tư quy mô quốc gia. Không nên xem phát triển Buôn Ma Thuột là việc riêng của Đắk Lắk. Tư tưởng cục bộ này dẫn đến chia đều nguồn lực phát triển.

Phải xác định Buôn Ma Thuột phát triển không chỉ là lợi ích riêng của thành phố, mà là sứ mệnh quốc gia, nên phải nằm trong chiến lược quốc gia để tập trung nguồn lực cho sự phát triển đó.

* TS Nguyễn Xuân Thành (cán bộ nghiên cứu cao cấp, Trường Harvard Kennedy, ĐH Harvard):

Phải là trung tâm thương mại, logistics

TS Nguyễn Xuân Thành

TS Nguyễn Xuân Thành (cán bộ nghiên cứu cao cấp, Trường Harvard Kennedy, ĐH Harvard)

Là thành phố lớn nhất ở Tây Nguyên nhưng tính kết nối với các tỉnh thành khác cũng như các vùng kinh tế khác lại rất hạn chế, thể hiện ở hai lĩnh vực quan trọng là thương mại và logistics.

Thương mại của Buôn Ma Thuột chiếm trên 50% tổng sản phẩm của thành phố, nhưng chủ yếu là bán lẻ phục vụ người dân ở Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk.

Trong khi đó, định hướng sau nhiều năm tới Buôn Ma Thuột phải là trung tâm thương mại, phân phối hàng hóa và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho cả vùng Tây Nguyên.

Còn dịch vụ logistics, ở đây chủ yếu là vận tải đường bộ cho hàng hóa và hành khách của TP Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk.

Tổng doanh thu dịch vụ logistics của cả Đắk Lắk cũng chỉ chiếm 1,9% tổng giá trị sản phẩm của địa phương. Với vai trò là trung tâm nhưng Buôn Ma Thuột chỉ ngang bằng với các địa phương khác trong vùng, chưa nói đến việc so sánh với các trung tâm kinh tế khác trong nước.

Vì vậy, cần hình thành đề án phát triển Buôn Ma Thuột với điểm nhấn là thương mại và logistics, để thành phố này đảm nhiệm được vai trò là trung tâm thương mại và logistics của cả vùng. Về nguồn lực và triển khai ra sao? Nhà nước, gồm cả trung ương và tỉnh giữ vai trò quy hoạch các cơ sở hạ tầng kết nối..., còn thực hiện nhất thiết phải là các nhà đầu tư tư nhân.

* Ông Trần Quốc Cường (phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk):

Nhiều cán bộ chưa năng động

Ông Trần Quốc Cường

Ông Trần Quốc Cường (phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk)

Buôn Ma Thuột phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng là do xuất phát điểm của thành phố nói riêng, của Đắk Lắk và cả vùng Tây Nguyên nói chung không chỉ thấp về hạ tầng, cơ sở công nghiệp, dịch vụ mà cả khoa học công nghệ, y tế, giáo dục. 

Trong khi để phát triển thành đô thị trung tâm của vùng, nhiệm vụ là rất lớn, đòi hỏi vốn, cơ chế chính sách đột phá. Không chỉ thế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư cho địa bàn Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột phải làm nhưng cần thận trọng, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh, trật tự và quốc phòng.

Trong khi đó, nơi này lại đối mặt với những thách thức mới, trong đó có tác động của biến đổi khí hậu, suy giảm mực nước ngầm ảnh hưởng hạ tầng đô thị, thiếu nước sinh hoạt... cũng gây nhiều trở ngại cho phát triển.

Dù là "phố núi" nhưng quỹ đất sạch cho đầu tư và phát triển đô thị ngày càng hạn chế. Chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng phát triển đô thị trọng điểm tăng cao, ảnh hưởng suất đầu tư, khó khăn khi thực hiện dự án.

Trong khi đó, đến nay chưa có quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố để tạo sự bứt phá. Một số chính sách còn bất cập, chưa đồng bộ, phù hợp

Khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, chính quyền thành phố lại thực hiện chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, năng lực nhiều cán bộ tại các địa phương còn hạn chế, chậm đổi mới và tính chủ động không cao... là những trở ngại cho quá trình phát triển.

Phố núi của Tây Nguyên, tại sao không? - Ảnh 8.

... và được kỳ vọng trong tương lai trở thành “phố núi” của cả vùng Tây Nguyên - Ảnh: Tr.Tân

Theo Tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.