Phố “độc” Sài thành

GD&TĐ - Nằm dọc theo 3 trục đường chính: Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục, tuyến phố đông y thuộc phường 10, quận 5, TPHCM đã góp phần hình thành nên nét văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn và dần trở thành điểm check in mới của du khách.

Khách mua hàng tại một cửa hàng dược liệu trên đường Lương Nhữ Học. Ảnh: T.G
Khách mua hàng tại một cửa hàng dược liệu trên đường Lương Nhữ Học. Ảnh: T.G

Mùi vị đặc trưng

Chạy xe trên đường Trần Hưng Đạo đến đoạn gần với giao lộ Triệu Quang Phục, chúng ta dễ nhận ra phố đông y bởi mùi thoang thoảng của các vị thuốc đông y như đánh thức các giác quan.

Được mệnh danh là vựa thuốc bắc lớn nhất TPHCM nói riêng và miền Nam nói chung, nhưng khó ai đoán định chính xác tuổi của khu phố đông y.

Ông Nguyễn Văn Thành (80 tuổi, ngụ đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5) chia sẻ: “Gia đình tôi mấy thế hệ theo nghiệp buôn bán đông dược. Trước năm 1975, đường này mang tên Khổng Tử, sau ngày đất nước thống nhất được đổi thành Hải Thượng Lãn Ông”.

Ông Thành cũng như nhiều cư dân khu phố này không rõ dược liệu được bán từ khi nào. Ông Thành chỉ nghe mọi người truyền tai kể lại rằng, vào những năm cuối của thế kỉ XIX, người Hoa trong quá trình di cư vào Sài Gòn - Chợ Lớn, đã mang theo những dược liệu quý giá từ Trung Quốc sang.

Ban đầu họ bày bán để phục vụ cộng đồng người Hoa nơi đây. Theo thời gian hình thành nên khu phố đông y nhộn nhịp như hiện nay.

Trải dài theo đường Hải Thượng Lãn Ông, đoạn từ Võ Văn Kiệt đến Châu Văn Liêm và một số đường lân cận như Phan Huy Chú, Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Ngọc... (Q.5, TPHCM), có cả trăm cửa hàng chuyên kinh doanh thuốc đông dược với số lượng lớn.

Một lương y tại đây cho biết, khu vực này bày bán không thiếu loại dược liệu nào, nguồn sản phẩm được nhập từ khắp cả nước. Một số dược liệu hiếm không có ở Việt Nam cũng được nhập từ các nước lân cận như Trung Quốc, Lào, Campuchia... về bán.

Đây có thể xem là chợ đầu mối thuốc bắc khu vực miền Nam, hầu hết bệnh viện có khoa đông y trên địa bàn thành phố và nhà thuốc khu Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long đều lấy thuốc ở đây. Sự phong phú về các chủng loại thảo dược cùng sự liền kề của những cửa hàng đã tạo nên một nét riêng cho toàn khu phố.

Địa chỉ du lịch

Một cửa hàng dược liệu đang cân nấm linh chi bán cho khách. Ảnh:T.G

Mặc dù có từ lâu đời nhưng tuyến phố đông y (Q.5, TPHCM) hình thành theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm nên có phần lộn xộn. Từ cuối năm 2016 đến nay, UBND Q.5 cùng phường 10 đã quy hoạch và thường xuyên theo dõi chấn chỉnh hoạt động buôn bán của các cửa hiệu y dược tại tuyến phố này.

Chính vì vậy, hình ảnh rác, đồ phế thải tràn ngập giờ đây được thay thế bằng tuyến đường sạch sẽ, không còn tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh dược liệu, đông y.

Hiện nay, bên cạnh việc kinh doanh dược liệu, tuyến phố đông y còn trở thành một điểm du lịch, hấp dẫn dành cho mọi du khách. Đồng thời cũng là nơi để những ai có nhu cầu tìm hiểu về những cây cỏ, dược liệu thỏa sức trải nghiệm.

Ông Nguyễn Quốc Trung (Q.8, TPHCM) cho biết: “Tôi thường lui tới mua dược liệu ở đây. Tuyến phố đã thay đổi nhiều, lúc trước lộn xộn, hàng hóa chất lượng cũng khó lường, giờ thì buôn bán nhiều mặt hàng, chất lượng được bảo đảm. Bên cạnh đó, tôi thường dẫn vợ con ra đây chơi, hướng dẫn cho các cháu về các loại dược liệu”.

Trăm năm gió bụi, rồi tất cả cũng thành thiên cổ. Nhưng mỗi khi đi ngang khu phố đông y, chợt ùa về ký ức thuở xưa với những bước chân di cư của người Hoa kiều đã góp phần tạo thêm nét văn hóa đặc sắc cho Sài Gòn - TPHCM hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ