Phổ cập giáo dục THCS: Các lực lượng xã hội phải vào cuộc

GD&TĐ - Tăng cường huy động các nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân, để tăng cường cơ sở vật chất và giúp đỡ những đối tượng phổ cập gặp khó khăn... - đó là một trong những giải pháp ngành Giáo dục Ninh Bình đã thực hiện, nhằm  góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS.

Một hoạt động chuyên đề của Trường THCS Trường Yên (Ninh Bình)
Một hoạt động chuyên đề của Trường THCS Trường Yên (Ninh Bình)

Cần sự đồng thuận của xã hội

Ông Đỗ Văn Thông (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình) cho biết: “Ninh Bình là tỉnh thứ ba trong toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD XMC) ở mức độ cao nhất cho tất cả các nội dung (sau Bắc Ninh và Hà Nam)... Tất cả các trường THCS ở Ninh Bình đều có đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên theo dõi công tác PCGD XMC tại các địa bàn được phân công”.

Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 18 tốt nghiệp THCS ở Ninh Bình đạt 98%. Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 18 đang học chương trình GD phổ thông hoặc GD thường xuyên cấp THPT hoặc GD nghề nghiệp đạt 92%. Toàn tỉnh có 145/145 xã, phường, thị trấn, có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3.

Ninh Bình triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng PCGD THCS. Theo ông Đỗ Văn Thông, Ninh Bình đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tới các cấp, các ngành, các bậc phụ huynh và toàn xã hội, nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn về số lượng và chất lượng trong công tác phổ cập GD, đồng thời nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ PCGD XMC, trong đó có PCGD THCS.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng chia sẻ, để được công nhận PCGD THCS mức độ 3, 100% số xã, 100% số huyện phải được công nhận PCGD THCS mức độ 3. Xã muốn được công nhận PCGD THCS mức độ 3 phải có ít nhất 95% thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 18 tốt nghiệp THCS, ít nhất 80% thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 18 đang học chương trình GD phổ thông hoặc GD thường xuyên cấp THPT hoặc GD nghề nghiệp.

 Ninh Bình đã bố trí đủ GV và đề nghị bổ sung chỉ tiêu GV chuyên trách phổ cập ở cấp huyện, cấp tỉnh; tuyển đủ GV ở bộ môn còn thiếu, những trường chưa đủ tỷ lệ GV trên lớp và chủng loại theo quy định. Theo Sở GD&ĐT Ninh Bình, việc sắp xếp, sàng lọc cán bộ quản lý, GV và triển khai nghiêm túc việc áp dụng thực hiện chuẩn nghề nghiệp cán bộ quản lý, GV của các nhà trường. 
Ông Đỗ Văn Thông

Giải pháp khác được Ninh Bình thực hiện, đó là bổ sung, hoàn thiện chính sách và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho PCGD THCS, củng cố vững chắc và phát huy kết quả PCGD THCS đã đạt được. Trong đó, Ninh Bình đã hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu của phổ cập, như: Xây mới, sửa chữa bảo đảm đủ phòng học và các phòng bộ môn, phòng chức năng cho các nhà trường; Xây dựng và phát triển đội ngũ GV, nhân viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng. Thực hiện tốt chính sách đối với GV theo quy định hiện hành. Tiến hành rà soát, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, GV để đủ sức thực hiện nhiệm vụ PCGD THCS. Nâng cao chất lượng, bảo đảm chuẩn hóa về trình độ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD là một giải pháp được chú trọng. 

Bên cạnh việc củng cố và nâng cao chất lượng PCGD THCS đã đạt được, Ninh Bình cũng từng bước rà soát các tiêu chuẩn PCGD THCS để có giải pháp thực hiện chỉ tiêu đề ra; ban hành các chính sách phù hợp để tạo điều kiện thu hút trẻ đến trường, giảm tỷ lệ trẻ bỏ học, lưu ban; Có chính sách miễn giảm học phí cho các đối tượng phải phổ cập, chính sách tuyển dụng đội ngũ GV. Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo PCGD XMC các cấp nhằm triển khai có hiệu quả công tác PCGD XMC, trong đó có PCGD THCS.

Học sinh Ninh Bình hưởng ứng Ngày sách Việt Nam
 Học sinh Ninh Bình hưởng ứng Ngày sách Việt Nam

Hướng nghiệp có trọng tâm

“Hằng năm, Ninh Bình dành kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho công tác PCGD XMC. Tăng cường huy động các nguồn lực đóng góp của các tổ chức cá nhân để tăng cường cơ sở vật chất và giúp đỡ những đối tượng phổ cập gặp khó khăn. Huy động sức mạnh tổng hợp của chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể địa phương để giải quyết một cách cơ bản tình trạng học sinh bỏ học, HS không học tiếp sau khi tốt nghiệp THCS. Có nhiều biện pháp vận động HS lựa chọn hình thức học tập phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh: Học THPT, học bổ túc THPT, học nghề dài hạn, học nghề ngắn hạn… để bảo đảm tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi 15 - 18 tiếp tục học tập sau khi tốt nghiệp THCS” - ông Đỗ Văn Thông cho biết.

Thời gian qua, Ninh Bình đã chú trọng công tác tuyên truyền, hướng nghiệp nhằm tăng tỷ lệ HS vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục nghề. Ninh Bình cũng đã khuyến khích các trung tâm GD thường xuyên dạy bổ túc văn hóa THPT gắn với GD nghề, tham mưu với các cấp có thẩm quyền có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng HS học xong THCS qua đào tạo nghề.

Ninh Bình cũng quan tâm việc tuyên truyền để mọi tầng lớp trong xã hội nhận thức đúng đắn về hướng nghiệp, nhất là nâng cao nhận thức việc cho HS theo học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, đồng thời xem xét đến năng lực cá nhân và hoàn cảnh gia đình để lựa chọn hướng đi cho phù hợp cho HS.

Sở GD&ĐT cũng phối hợp với Sở LĐ,TB&XH chỉ đạo Trung tâm xúc tiến việc làm và các phòng LĐ,TB&XH cấp huyện là đầu mối liên hệ giữa trung tâm GD thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng và trường trung cấp nghề với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp tạo đầu ra cho học viên khi đào tạo xong. Tham mưu với UBND các cấp có chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho người trong tỉnh, trong huyện theo học các lớp đào tạo nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.