Phổ cập giáo dục mầm non miền núi: Dẫu thành vẫn lo

GD&TĐ - Công tác phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi ở Thanh Hóa những năm gần đây bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít khó khăn, thách thức.

Giáo dục mầm non miền núi Thanh Hóa bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít khó khăn
Giáo dục mầm non miền núi Thanh Hóa bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít khó khăn

Thành công nhờ nỗ lực

Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông với 11/27 huyện miền núi. Trong đó, nhiều huyện nghèo có nền kinh tế đặc biệt khó khăn. Việc phát triển nâng cao giáo dục tại các vùng miền núi cao, vùng sâu, xa là một thách thức đối với giáo dục Thanh Hóa.

Xác định công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi là nhiệm vụ quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội. Các cấp Đảng chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. 

Cùng với việc nâng cao đời sống vật chất cho người dân, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Vì vậy, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động trẻ trong độ tuổi ra trường, ra lớp. Trong năm học 2013 - 2014, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường của Thanh Hóa đạt 99,8%.

Tại huyện miền núi Cẩm Thủy, nơi được xem là một trong những điểm sáng của giáo dục miền núi Thanh Hóa những năm gần đây. Toàn huyện có 27.532 hộ với 4.145 hộ nghèo, dân tộc Mường chiếm 52,4%, dân tộc Dao là 2,9%. 

Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhận thức của đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, công tác giáo dục mầm non nơi đây luôn được quan tâm. Trong đó, PCGDMN cho trẻ 5 tuổi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện giai đoạn 2010-2015. 

Việc hướng dẫn chỉ đạo về công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi được triển khai thực hiện đầy đủ, rõ ràng, kịp thời đến tận đơn vị, địa phương. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận tham gia tích cực của nhân dân, các bậc cha mẹ học sinh và toàn thể xã hội. Đưa chỉ tiêu phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi thành tiêu chí đánh giá chất lượng các xã và nhà trường… 

Bên cạnh đó, huyện Cẩm Thủy từng bước đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp để trẻ tới trường, lớp được chăm sóc phát triển toàn diện. Vì vậy, năm 2013 - 2014, 20/20 xã của huyện đã đạt tiêu chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi; Hoàn thành vượt kế hoạch một năm.

Hiện nay, huyện Cẩm Thủy có 243 nhóm lớp với 5.934 cháu đến trường. Trong đó trẻ 5 tuổi là 1.494/1.498 cháu, đạt 99,7% (có 4 trẻ khuyết tật nặng không hòa nhập).

Cần lắm sự chung tay của toàn xã hội

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đoàn thể, gia đình, cộng đồng về tầm quan trọng của phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi là nhiệm vụ quan trọng và không ít khó khăn của ngành giáo dục. 

Đặc biệt, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều huyện miền núi (với 7 huyện miền núi nghèo nhất cả nước, 102 xã đặc biệt khó khăn, 15 xã biên giới). 

Khu vực miền núi Thanh Hóa có địa hình hiểm trở, dân cư sống phân tán, phong tục tập quán còn lạc hậu, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí, dân sinh thấp. Đây là những khó khăn lớn đối với nhiệm vụ PCGDMN trẻ 5 tuổi.

Ngoài ra, địa bàn miền núi rộng nên việc tập trung trẻ để phân lớp theo độ tuổi rất khó khăn, còn nhiều khu lẻ, điểm lẻ và các lớp ghép 2 - 3 độ tuổi.  

Một số bộ phận nhân dân vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn nhận thức về giáo dục, về công tác phổ cập còn hạn chế, còn coi nhẹ nhiệm vụ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. 

Vì vậy, tiến độ PCGDMN trẻ 5 tuổi ở Thanh Hóa thực hiện còn chậm. Mặt khác, nguồn kinh phí cho công tác phổ cập còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều xã quá nghèo, rất khó khăn để huy động nguồn lực từ địa phương...

Bà Bùi Phương Liên – Phó trưởng phòng giáo dục huyện Cẩm Thủy - cho biết: Nhiều xã của huyện Cẩm Thủy cơ sở vật chất còn thiếu thốn, phòng học chức năng cho trẻ 5 tuổi còn thiếu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi phục vụ việc học tập và vui chơi của học sinh còn hạn chế. 

Đặc biệt là phòng học cho học sinh, toàn huyện có 212 phòng học. Trong đó, vẫn còn 35 phòng học bán kiên cố và 64 phòng phòng học tạm, nhờ. Đối với phòng học cho trẻ 5 tuổi vẫn còn 13/66 phòng học bán kiên cố, phòng học tạm.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ PCGDMN trẻ 5 tuổi, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa còn phải khắc phục nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, Công tác PCGDMN trẻ 5 tuổi tiếp tục được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục Thanh Hóa. 

Bên cạnh việc củng cố vững chắc kết quả PCGDMN trẻ 5 tuổi đã đạt được, tiếp tục trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho học sinh. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hóa giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ nhất là ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn nhằm giảm tỷ lệ bỏ học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ