Phim Việt và điều bắt buộc phải làm

GD&TĐ - Không thể phủ nhận sức hút của phim truyền hình Việt thời gian gần đây, nổi bật phải kể đến Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê, Về nhà đi con. Dẫu vậy, những bộ phim theo “mô típ” này vẫn không tránh khỏi một vài điểm trừ. 

Việt Anh là một trong những diễn viên “nhẵn mặt” trên màn ảnh nhỏ, vì thế không tránh khỏi cảm giác nhàm chán nơi                khán giả. Ảnh: saostar
Việt Anh là một trong những diễn viên “nhẵn mặt” trên màn ảnh nhỏ, vì thế không tránh khỏi cảm giác nhàm chán nơi khán giả. Ảnh: saostar

Đáng chú ý nhất vẫn là sự nhàm chán trong cách tạo hình nhân vật và những gương mặt đã quá quen thuộc trên màn ảnh.

Làm mới bản thân – thử thách quá khó?

Một đạo diễn có tiếng trong nghề khẳng định: “Phim Việt rất cần những gương mặt mới, không thể nào quanh quẩn chỉ có vài gương mặt được. Bắt buộc phải là như vậy”. Nhắc đến sự nhàm chán trong phim Việt, không khó để kể ra vài cái tên như Nàng dâu order, Gạo nếp Gạo tẻ, hay trước đó là Ngày ấy mình đã yêu. Ngay khi vừa trình làng, Ngày ấy mình đã yêu đã gặp phải rất nhiều vấn đề, đặc biệt là tạo hình và diễn xuất nhí nhảnh quá lố của hai cô nàng Nhã Phương và Bảo Thanh khiến người xem ngán ngẩm.

Theo cốt truyện bản gốc Hàn Quốc, bộ phim xoay quanh hai cô nàng đã chạm ngưỡng 30. Nhưng không hiểu sao khi được Việt hóa, hai cô nàng gần tuổi băm này lại bị cường điệu quá mức: Nhã Phương khoác lên mình đủ thứ phụ kiện vòng vèo diêm dúa, còn Bảo Thanh ngổ ngáo từ cách ăn mặc tới tính cách. Những chi tiết phi thực tế này làm khán giả cảm thấy khó chịu.

Về phía Bảo Thanh, nổi lên từ bộ phim Sống chung với mẹ chồng, cô được kỳ vọng sẽ thoát ra khỏi cái bóng của Vân, vì thế cô đã mạnh dạn Nam tiến để vào vai Sol trong Ngày ấy mình đã yêu. Nhưng lần “lột xác” này của Bảo Thanh khiến người hâm mộ cảm thấy chưa thuyết phục, thậm chí có phần khiên cưỡng. Theo bản gốc của Hàn Quốc, Sol là một cô nàng mang nét tính cách hoàn toàn trẻ con bởi chưa từng được yêu, lại thêm sự vụng về và thẳng thắn đến mức vô duyên. Trong khi đó, thế mạnh của Bảo Thanh nói chung vẫn là ở những vai đòi hỏi diễn nội tâm, thể hiện sự giằng co tâm lý.

Để “lột xác” hoàn toàn, Bảo Thanh đã gắng gượng ép mình diễn xuất theo bản năng bất chấp độ vênh về cả ngoại hình lẫn kinh nghiệm diễn xuất. Nhất là khi đóng cặp với nam diễn viên có ngoại hình trẻ hơn là Chí Thiện, Bảo Thanh càng bộc lộ rõ điểm yếu và chuyện tình Đô - Sol đáng lẽ là cùng tuổi lại trở nên sai lệch như mối tình chị em.

Về phía Nhã Phương, cũng giống như Bảo Thanh, cô đã nỗ lực rất nhiều để thoát khỏi danh hiệu “Nữ hoàng nước mắt” bằng nhân vật có nét tính cách khác lạ hơn. Hạ trong Ngày ấy mình đã yêu là cô gái hậu đậu, kém duyên, ham tiền và thích chủ động tấn công các chàng trai.

Rõ ràng, nhân vật Nhã Phương đảm nhiệm đã rất khác, nhưng không hiểu sao cách thể hiện của cô vẫn bị cho là… đuối, kém sáng tạo trong biểu cảm, đến mức cái nét diễn đạt của cô vẫn loanh quanh trong những cái dẩu môi, chau mày nũng nịu, đôi khi bị lạm dụng quá mức. Điểm khác biệt ở Hạ chỉ là cô nàng được khoác lên mình lớp phục trang và phụ kiện cầu kỳ, lòe loẹt hơn thôi.

Dường như không thể “chịu đựng nổi”, một khán giả phải bình luận trên trang fanpage phim rằng: “Không biết có ai để ý cách diễn của Nhã Phương cường điệu quá không? Biểu cảm khuôn mặt, miệng và ánh mắt khi nói chuyện thấy bị lố. Xem mà mình cũng thấy mệt theo”.

Không dám mạo hiểm

Diễn xuất của Nhã Phương trong “Ngày ấy mình đã yêu” bị cho là đuối và thiếu sáng tạo. Ảnh: netlife
 Diễn xuất của Nhã Phương trong “Ngày ấy mình đã yêu” bị cho là đuối và thiếu sáng tạo. Ảnh: netlife

Không ai có thể phủ nhận tài năng, mức độ nổi tiếng và sức hút của những gương mặt quen thuộc trên màn ảnh nhỏ hiện nay như Bảo Thanh, Phương Oanh, Thanh Hương, Bình An, Huỳnh Anh, Hà Trí Quang, Thân Thúy Hà, Thúy Diễm, Lương Thế Thành, Quang Tuấn, Quốc Trường, Hải Băng, Thanh Trúc, Xuân Văn, Mạnh Trường, Hồng Đăng… nhưng so với độ tuổi nhân vật chỉ khoảng ngoài đôi mươi ở các tuyến chính của nhiều bộ phim truyền hình hiện nay thì lại “quá cứng” hay sẽ phải “cưa sừng làm nghé”. Chưa kể, gương mặt quá quen thuộc của họ cũng khó tránh khỏi làm khán giả nhàm chán.

Bởi vậy, việc casting để tìm kiếm các gương mặt trẻ và mới là cần thiết với phim truyền hình hiện nay. Dẫu vậy, không phải nhà làm phim hay đạo diễn nào cũng dám làm điều mạo hiểm như vậy. Họ vẫn rất cần những gương mặt có thể “bảo kê” mức độ thành công cho phim. Có chăng, họ chỉ dám cài cắm những gương mặt mới toanh vào một số nhân vật phụ.

Có lẽ ít ai mạnh dạn như đạo diễn Phương Điền. Khi được hỏi vì sao chọn diễn viên mới cho phim Đánh cắp giấc mơ, anh cho biết: “Tôi nghĩ đó là niềm tin tôi đặt vào dàn diễn viên mới. Trong quá trình quay phim, tôi nhận thấy các bạn diễn tròn vai. Quan điểm của tôi là chọn diễn viên đúng nhân vật, tính cách, không phải vì họ nổi tiếng nên được ưu ái. Tôi cũng luôn trình bày và thuyết phục nhà sản xuất về việc tại sao phải chọn gương mặt ấy. Và dĩ nhiên, khi chọn diễn viên mới đóng vai chính thì tôi luôn có người đi trước chỉ bảo, dìu dắt”.

Có thể nói, phim truyền hình Việt đang có quá nhiều sự cạnh tranh từ các loại hình giải trí khác trên màn ảnh nhỏ và Internet. Không còn chạy show hay đóng nhiều phim cùng lúc, nhiều diễn viên truyền hình rẽ sang kinh doanh hoặc “mòn mặt” với gameshow, webdrama.

Trụ lại với phim truyền hình chỉ còn là những diễn viên tâm huyết với nghề. Vì thế, giảm số lượng và tăng chất lượng là thách thức và cũng là yêu cầu sống còn đối với người làm nghề. Bên cạnh ngoại hình và diễn xuất phù hợp, yếu tố quan trọng nhất đối với một diễn viên vẫn là tài năng. Phim truyền hình không có nhiều kinh phí để quay đi quay lại nên rất cần thái độ làm việc nghiêm túc của diễn viên, bất kể gương mặt mới hay cũ.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ