Phim Việt trong dòng chảy thời gian

GD&TĐ - Cho tới tận bây giờ, công chúng yêu điện ảnh “tử tế” vẫn không quên những bộ phim thuộc hàng kinh điển của Việt Nam, như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nổi gió”, “Em bé Hà Nội”, “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Cánh đồng hoang”. Họ nhớ tới và nhắc tới với đầy đủ sự nuối tiếc. Và rằng, không biết đến bao giờ chúng ta mới lại có được những bộ phim như thế...

Phim Việt trong dòng chảy thời gian

 Những người cống hiến

Khi nói đến những bộ phim kinh điển của điện ảnh nước nhà, người ta bỗng nhận ra một điều không biết nên vui hay buồn, rằng, đó lại chính là những tác phẩm điện ảnh được sản xuất trong những ngày chiến tranh gian khó, những ngày cả nước ăn cơm độn. Nghèo là thế, khó là thế nhưng tại sao vẫn làm được phim hay? Trong khi bây giờ công nghệ cao, máy móc tốt, đạo diễn nhiều hơn, diễn viên nhiều hơn, hệ thống rạp nhiều hơn, dân số đông hơn (cũng có nghĩa là lượng khán giả nhiều hơn)... nhưng lại không làm được những bộ phim như thế. Đáng buồn, lại quá nhiều những bộ phim “mạ” lại phim nước ngoài, hoặc là loại phim “mỳ ăn liền” vô thưởng vô phạt.

Trở lại với những năm tháng huy hoàng và cống hiến của điện ảnh Việt Nam, tới nay người ta vẫn không thể quên dấu ấn của những đạo diễn tài ba “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Họ làm phim không vì tiền, cũng không vì sự nổi tiếng, cũng không mong từ những bộ phim ấy mình được cất nhắc vào những vị trí quản lý nhiều hậu hĩnh. Đó là các vị đạo diễn: Hải Ninh Nguyễn Hồng Sển, Đặng Nhật Minh, Lê Hoàng Hoa, Lê Dân... và nhiều người khác nữa. Họ bước vào làng điện ảnh và đi qua cuộc đời này bằng sự cống hiến, niềm đam mê vô bờ bến. Chính điều đó đã giúp họ vượt qua những đòi hỏi, cám dỗ vật chất thông thường; dấn thân và hy sinh cho điện ảnh không đòi hỏi, cũng không than trách.

Cùng thời điểm “cống hiến” đó, cũng xuất hiện rất nhiều diễn viên thượng thặng. Và họ cũng không đòi hỏi bất cứ sự ưu ái nào của Nhà nước, hay là sự ngưỡng vọng “đến phát cuồng” của người hâm mộ. Đó là Trà Giang, Tuệ Minh, Lâm Tới, Thế Anh, Như Quỳnh, Lan Hương, Phương Thanh, Lê Vân, Trịnh Thịnh… Họ xứng đáng là những tượng đài của điện ảnh Việt Nam.

Tới nay, người còn người mất, nhưng những gì họ để lại cho đời sẽ không bao giờ mất.

Chuyển tiếp và khởi đầu một dòng chảy mới

Sau những bộ phim “bom tấn” của điện ảnh Việt thời xả thân cống hiến (Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Chung một dòng sông, Em bé Hà Nội...)..., sau này đến một dòng phim được coi là “nỗ lực bắt nhịp thị trường” nhưng vẫn giữ được gân cốt chứ không chỉ hào nhoáng bởi nhung tuyết.

Trong đó, rất đáng nói là những bộ phim về đề tài nông thôn (cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình). “Gia phả của đất” 38 tập, của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) là một trong những bộ phim như vậy. Phim là bức tranh đầy màu sắc về nông thôn Bắc Bộ trải dài từ cuối những năm 1970 của thời kỳ bao cấp chuyển mình sang thời kỳ đổi mới. Đó là một trong những bộ phim “4 K”: Khô, khó, khổ, kén khán giả - nhưng lạ thay vẫn được đón nhận nồng nhiệt. Tiếp đó là những bộ phim “Hương đất”, “Bí thư tỉnh ủy”, “Bão qua làng”, “Ma làng”, “Đất và người”, “Gió làng Kình”… Ở đây, đóng góp của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là không thể phủ nhận.

Sau này, cùng chủ đề, nhưng được cho là mới hơn, hiện đại hơn (khi có sự tham gia của đạo diễn Việt kiều), có thể kể đến “Cánh đồng bất tận”, “Mùa len trâu”. Đây quả thực là những tác phẩm điện ảnh đáng giá.

Nhưng, nói như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì “tôi nhận thấy số đạo diễn làm phim về nông thôn ngày càng ít đi. Các đài cũng không đặt ra tỉ lệ làm phim đề tài này nên khó có thể tăng lượng phim. Tôi hơi lo, tương lai sẽ không có đội ngũ làm phim nông thôn nữa”.

Điều này, suy rộng ra, cũng không chỉ là cái khó của điện ảnh về đề tài nông thôn, mà còn mơ hồ như chúng ta đang thiếu vắng những tác giả, hãng phim dám sống chết, dám đánh cược với một điều gì đó sâu thẳm. Mà, thay vào đó, khái niệm “điện ảnh thị trường” đang ngày một phổ quát hơn.

Cũng trong thời kỳ “chuyển tiếp” này, công chúng cũng biết đến một số bộ phim khá ăn khách của đạo diễn Lê Hoàng, trong đó nổi bật là “Gái nhảy”, “Những cô gái chân dài”. Đề tài phim gần như “cắt đứt” dòng chảy sẵn có mà hướng tới thị trường, với những nhân vật phù hợp với giới trẻ, cùng những sở thích cũng như sự tò mò của họ. Nhiều người cho rằng, đây có thể được coi là “mở màn”, là “khúc dạo đầu” cho loại phim “câu khách” sau này. Tuy nhiên, nếu như trong “Gái nhảy”... ngôn ngữ điện ảnh còn vẫn đậm đặc thì “đàn em”, “hậu duệ” của nó lại “rẽ ngoặt” một cách không ngờ.

Nỗi lo đến từ “mỳ ăn liền” hay là “tư duy ăn xổi”

Thời gian này, người ta chứng kiến sự lên ngôi của nhiều nhà làm phim tư nhân, trong đó có người đơn thuần có tiền bỏ ra làm phim... chơi; nhưng cũng có những người trong nghề đầu tư sản xuất phim. Trong đó có đạo diễn và cả diễn viên. Trường hợp của Ngô Thanh Vân, Trương Ngọc Ánh được coi là điển hình. Mới đây, kể cả ca sỹ Mỹ Tâm cũng thử sức trong vai trò nhà sản xuất phim, còn bản thân cũng tự trở thành nhân vật trong phim.

Điều đó không mới cũng không cũ, cuối cùng là phim có hay không sẽ nói lên tất cả. Vậy thì, hãy chờ xem!

Đáng lo là dạng phim “mỳ ăn liền” đã trở thành một dòng chảy. Nếu trước kia, những bộ phim chỉ nhăm nhăm mục đích kinh doanh như “Tóc gió thôi bay”, “Phim do khán giả đặt tên” (!?), rất sến, bị chê cười - thì tiếc thay, tới nay nó lại không phải là “của hiếm” nữa.

Trong dòng phim “mỳ ăn liền” ấy, rất khủng bố là những bộ phim hài được làm để đón tết. Nhạt nhẽo, vô bổ, vô lý... nhưng lại được PR rất kỹ lưỡng, trong đó có sự tiếp tay của giới truyền thông.

Nhưng, có lẽ còn đáng ngại hơn là những bộ phim mua kịch bản của nước ngoài, về dựng lại theo kiểu “nửa ông nửa thằng” rất xa lạ. Có người cho rằng, đó là “xu hướng”, nhưng nhiều người lại thấy buồn tủi, xót xa khi số phận của người dân mình không được phản ánh trên phim, thay vào đó lại là cuộc sống xa lạ của những người tận đẩu tận đâu.

“Bao giờ cho tới ngày xưa”, câu nói tưởng như đùa nhưng cũng rất cần suy ngẫm khi soi vào điện ảnh nước nhà. Nhất là khi chúng ta không bao giờ thôi kỳ vọng vào một nền điện ảnh máu thịt hơn với nhân dân mình, đất nước mình.

Theo nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm - tác giả cuốn sách “101 bộ phim Việt Nam hay nhất”, thời nào cũng vậy, giữa hàng loạt những bộ phim tầm thường vẫn có những bộ phim khiến ta lay động và có niềm tin rằng, những tài năng của điện ảnh Việt Nam dù ít, nhưng luôn luôn hiện hữu. “Tôi không hy vọng một cuộc “cánh cánh và bay cao”, nhưng tôi đang cảm nhận có một thế hệ điện ảnh mới đang dần dần hình thành và vươn ra thế giới. Tất nhiên, sức ảnh hưởng của họ đến đâu thì phải chờ thời gian trả lời” - ông Lâm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ