Phim trực tuyến xu hướng mới của thời công nghệ số

GD&TĐ - Cùng với xu thế phát triển chung của thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, thì dịch vụ video trực tuyến theo yêu cầu (gọi tắt là VOD - Video On Demand) để xem các chương trình giải trí, đặc biệt là phim điện ảnh, phim truyền hình cũng lên ngôi. 

Phim trực tuyến  xu hướng mới của thời công nghệ số

VOD không chỉ góp phần làm thay đổi thị hiếu thưởng thức của khán giả trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay mà có thể sẽ trở thành xu hướng xem phim mới ở Việt Nam trong những năm tới.

Xem video trực tuyến lên ngôi

Nhờ sự xuất hiện của các thiết bị phát video cá nhân (DVR) và các thiết bị di động, khán giả không còn bị gắn chặt vào chiếc tivi ở nhà nữa, xem VOD đang ngày càng trở thành thú tiêu khiển của mọi người, có thể xem một mình hoặc cùng bạn bè, gia đình. Với dịch vụ VOD, người xem có thể tự do chọn lựa bộ phim mình yêu thích, tua đi tua lại tùy ý, chất lượng chuẩn HD, nội dung phù hợp với mọi thành viên trong gia đình.

Thời gian qua, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) đầu tư vào dịch vụ SCTV-VOD, Viettel có dịch vụ truyền hình theo yêu cầu NextTV, Truyền hình cáp VTVcab có dịch vụ VCTV ON; Công ty Galaxy Media & Entertainmen có dịch vụ Film +, Công ty BHD có dịch vụ Danet...

Trong đó, ưu điểm thu hút khách hàng, nhất là giới trẻ tuổi của VOD chính là kho phim đồ sộ mà các dịch vụ này cung cấp, khi có thể xem rất nhiều phim hay từ trong nước và quốc tế với chất lượng cao (HD, Full HD hay UltraHD) cùng thuyết minh và phụ đề đi kèm mà không phải khó chịu vì quảng cáo chen ngang.

Nếu như khán giả có lỡ bỏ sót bộ phim yêu thích tại rạp thì có thể trải nghiệm và khám phá dịch vụ xem phim trên TV hoặc trên các thiết bị điện tử khác ở nhà mình, với những bộ phim bom tấn mới nhất, kể cả những phim chưa từng ra rạp và lần đầu tiên công chiếu tại Việt Nam. Giá chỉ từ 12.000 - 29.000 đồng/phim.

Theo báo cáo nghiên cứu của Công ty thông tin và đo lường toàn cầu Nielsen về nhu cầu xem video trực tuyến của người Việt Nam. Theo đó, hơn 40 triệu người dân tiếp cận với Internet, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về xu hướng xem video trực tuyến hàng tuần với tỷ lệ 92%.

Các quốc gia xếp sau lần lượt: Philippines (85%), Indonesia (81%), Thái Lan (76%), Malaysia (74%). Năm 2014 chỉ có 39% người sử dụng Internet ở Việt Nam xem video trực tuyến trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, vi tính... thì năm 2015 con số này đã tăng lên 62%.

Thị trường xem phim trực tuyến trong nước cũng khá nhộn nhịp thời gian vừa qua khi hầu như nhà cung cấp truyền hình cáp, truyền hình Internet nào cũng mở kho phim, cho xem hàng ngàn bộ phim thoải mái với mức cước chỉ vài chục ngàn đồng/tháng.

Cuộc cạnh tranh về chất lượng

Sự tăng trưởng mạnh mẽ và phong phú của các chương trình video theo yêu cầu VOD đang tạo ra những cơ hội mới cho khán giả nhiều sự lựa chọn tiện ích hơn bao giờ hết: Họ có thể tùy chọn nội dung, thời gian và địa điểm để xem các chương trình họ yêu thích.

Thế nhưng đi liền với sự tiện ích đó thì hiện nay các nhà đài và các đơn vị sản xuất chương trình cũng đang đối mặt với sức ép phải đổi mới, bắt kịp với nhu cầu xem của khán giả trong thời đại kỹ thuật số. Việc có khán giả, và sức cạnh tranh với đối thủ trong cuộc chơi của thế giới phẳng trở thành vấn đề chiến lược. Nhưng quan trọng hơn cả, là việc đầu tư nâng cao chất lượng nội dung đúng với nhu cầu của khán giả

Trong sự biến đổi mạnh mẽ của cách thức và phương tiện xem truyền hình, khán giả chỉ quan tâm đến nội dung của một bộ phim, hơn là những người làm ra nó, nó được sản xuất ở đâu, hay xem nó qua đài truyền hình nào....

Có thể nhận thấy, dịch vụ xem video trực tuyến có tiềm năng phát triển mạnh, tuy nhiên, việc kinh doanh video trực tuyến tại Việt Nam khá phức tạp, do số lượng trang web cung cấp phim ảnh không có bản quyền khá đông đảo.

Theo con số từ các cơ quan quản lý Nhà nước về bản quyền phim ảnh, hiện có khoảng 400 trang web tiếng Việt đang cung cấp hàng chục ngàn bộ phim trên mạng, trong đó rất nhiều bộ phim không có bản quyền. Từ năm 2013 đến nay đã có một số trang web bị thanh tra liên ngành lập biên bản, yêu cầu ngừng hoạt động cung cấp phim ảnh không có bản quyền.

Để cạnh tranh với các công ty nước ngoài, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước phải tôn trọng bản quyền và người dùng trong nước đang làm quen dần với việc xem phim ảnh có bản quyền. Hi vọng năm 2017, VOD không chỉ góp phần làm thay đổi thị hiếu thưởng thức của khán giả trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay mà có thể sẽ trở thành xu hướng xem phim mới ở Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.