Phim tình cảm gia đình: Không bao giờ ngừng hot

GD&TĐ - Tại thị trường châu Á, những bộ phim dài tập lấy chủ đề tình cảm gia đình luôn thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả bởi tình tiết hấp dẫn và câu chuyện đời thường trong mỗi thước phim.

Khoảng 10 năm trở lại đây, khán giả Việt thường xuyên "phát sốt" với những bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc.
Khoảng 10 năm trở lại đây, khán giả Việt thường xuyên "phát sốt" với những bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc.

Trào lưu xem phim Hàn

Khoảng 10 năm trở lại đây, khán giả Việt thường xuyên "phát sốt" với những bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc, điển hình phải kể đến "Những nàng công chúa nổi tiếng". Phim kể câu chuyện về 4 cô con gái của cựu chiến binh Na Yang Pal. Cô cả Deok Chil chung sống với chồng 12 năm nhưng không hề yêu chồng. Vì thế, cô ngoại tình dẫn đến đổ vỡ hôn nhân. Deok Chil sau này tái hôn và tiếp tục gặp rắc rối do con gái riêng của chồng không thích cô.

Thông qua câu chuyện về gia đình họ Na, Những nàng công chúa nổi tiếng muốn đề cập đến các khó khăn và rắc rối mà những gia đình hiện đại phải đối mặt. Với những câu chuyện dung dị, phim đem đến tiếng cười cũng như lấy nước mắt của người xem.

"Tối nay ăn gì" kể về cuộc sống nhiều biến động của ba chị em gái nhà họ Jo bao gồm Jo Young Ran, Jo Young Shim và Jo Young Mi. Jo Young Ran vội vàng kết hôn sau khi hẹn hò mới được một tuần. Kết quả, cô có đời sống hôn nhân không tình yêu vì chồng là người lạnh lùng và vô tâm. Chị gái của Young Ran - Young Shim có cuộc sống thiếu thốn vật chất nên luôn mơ về những thứ xa hoa. Chính khó khăn về tài chính khiến Young Shim và chồng luôn xảy ra tranh cãi. Cô em út Young Mi có sự nghiệp thành công nhưng lại lấy phải một anh chàng lúc nào cũng nghe lời mẹ.

Một bộ phim khác nhất định phải nhắc tới, đó là "Gia đình đá quý" - câu chuyện gần gũi, ấm áp xoay quanh cuộc sống của bốn người con trong gia đình họ Gung. Bốn người được đặt tên theo những loài đá quý. Đó là chị cả Bi Chwi (Ngọc Bích), con trai lớn San Ho (một loại đá San hô), con gái Ryu Bi (đá Ruby) và con trai út Ho Bak (Hổ Phách). Bốn chị em có tính cách và lý tưởng khác nhau, dẫn đến nhiều xung đột trong cuộc sống gia đình. Thế nhưng cuối cùng, họ vẫn vượt qua tất cả và tìm được sự hòa hợp từ chính những bất đồng.

Sức hút của phim nội

Tại thị trường phim ảnh Việt Nam, chủ đề tình cảm gia đình cũng luôn thu hút sự quan tâm của khán giả nhiều lứa tuổi.

Tại thị trường phim ảnh Việt Nam, chủ đề tình cảm gia đình cũng luôn thu hút sự quan tâm của khán giả nhiều lứa tuổi.

Trở lại thị trường phim ảnh Việt Nam, chủ đề tình cảm gia đình cũng luôn thu hút sự quan tâm của khán giả nhiều lứa tuổi. Trước "cơn bão" "Sống chung với mẹ chồng", màn ảnh nhỏ Việt từng rộn ràng với rất nhiều bộ phim để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Một trong số đó phải kể đến "Đất phương nam".

Đây là bộ phim truyền hình Việt Nam chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, do Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) sản xuất năm 1997 trên chất liệu băng từ VHS, nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc là giám đốc sản xuất và chỉ đạo nghệ thuật. Bộ phim là câu chuyện về cuộc sống của những con người dân quê bình dị trong thời cuộc loạn lạc Nam Bộ trong thời kì thực dân Pháp và bọn cường hào, địa chủ cai trị. Trong đó nhân vật chính là cậu bé An.

Do nghịch cảnh mất mẹ, cậu bé An trôi dạt tha phương trên bước đường đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những cảnh đời ngang trái, những mảnh đời lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân. Giữa đất trời mênh mông nhưng các người nông dân phải chịu cảnh mất đất đai, được mùa nhưng không giữ được vật phẩm. Hoàn cảnh đã đưa đẩy họ trở thành những người nông dân khởi nghĩa. Tuy ba chìm bảy nổi giữa dòng đời, An vẫn luôn sống trong lòng nhân ái, đùm bọc của đồng bào. Đó là nguồn động lực đưa cậu vượt qua những khó khăn gian khó...

Năm 1998, khán giả cũng "phát cuồng" với phim "Chuyện nhà Mộc". Vì đời sống của mình quá khổ cực, ông Mộc bằng mọi giá muốn cho Mai thi vào đại học, với hi vọng con gái mình nhờ vào mảnh bằng đó mà sau này khá hơn, cho nên ông đã dốc hết túi tiền bán lợn và lúa. Ông Mộc đưa Mai lên thành phố ghi danh cho con học thêm. Nhưng người thành phố thì không đơn giản và chân thật như ông nghĩ, kể cả các vị là giáo sư nhưng thiếu trình độ giảng dạy. Thấy con quá vất vả với việc học, lại có hiện tượng mê sảng giữa ban ngày, nên ông lại đưa Mai về tự học ôn ở nhà. Bộ phim đã kể về những câu chuyện chân thực mà cười ra nước mắt của nhà ông Mộc.

"Phía trước là bầu trời" (2001) đã đưa đạo diễn Đỗ Thanh Hải đến gần hơn với khán giả. Sau "Xin hãy tin em", anh tiếp tục khai thác đề tài sinh viên và đã được khán giả trẻ đón nhận nhiệt tình. Đây là bộ phim tái hiện cuộc sống của sinh viên những năm 2000.

Nhân vật chính trong phim là Nguyệt, Thương, Nhung - 3 cô gái tỉnh lẻ với những nét tính cách trái ngược nhưng cùng sống trong một phòng ở một xóm trọ sinh viên (bối cảnh quay tại quận Thanh Xuân). Cả ba vừa mới tốt nghiệp đại học và gặp phải những khó khăn trong công việc. Thương làm việc trong nhà hàng, Nhung chật vật làm tiếp thị rồi xin làm báo. Chỉ có Nguyệt, nhờ mối quan hệ của người yêu mà kiếm được công việc tốt hơn. Dù ở bất cứ công việc nào, mỗi người trong họ đều phải đối mặt với sự phức tạp và thử thách. Có người may mắn trụ lại được Hà Nội, có người lại phải đến nơi khác lập nghiệp.

Phim được yêu thích là bởi phản ánh cuộc sống trong xóm trọ của sinh viên nghèo sinh động và đầy chân thực. Đó là nỗi lo cơm áo gạo tiền, là khi khất tiền trọ, phải bán xe đạp để chi tiêu… Bên cạnh khó khăn trong cuộc sống, lũ sinh viên nghèo ấy vẫn có giây phút vui vẻ, mà sau này chia xa, tất cả sẽ là những kỷ niệm đẹp.

Ngoài ra, phim truyền hình Việt còn có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng như Hoa cỏ may, Những ngọn nến trong đêm,... Về sau này còn có Hôn nhân trong ngõ hẹp, Tuổi thanh xuân, Đam mê nghiệt ngã... Tất cả đều mang đến những dư vị khó phai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.