Phim tài liệu với giấc mơ trụ rạp

GD&TĐ - Phim thời sự - tài liệu là nhóm thể loại ra đời sớm nhất trong lịch sử điện ảnh. Những năm gần đây, phim tài liệu Việt đã khởi sắc, tăng trưởng về số lượng và chất lượng gắn với những thủ pháp làm phim mới, thu hút khán giả không thua kém các thể loại điện ảnh khác. Tuy nhiên, với các nhà làm phim, cho đứa con tinh thần của mình “chào đời” đã không dễ, đưa được chúng ra rạp càng khó bội phần…

Cảnh phim “Ông Hai Lúa” chiếu tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế châu Âu – Việt Nam lần thứ 10
Cảnh phim “Ông Hai Lúa” chiếu tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế châu Âu – Việt Nam lần thứ 10

Tín hiệu khởi sắc

Phim tài liệu Việt Nam vẫn chủ yếu phát sóng trên truyền hình chứ quá ít phim được chiếu rạp. Nghịch lý ở chỗ nhóm thể loại vô cùng quan trọng và cần thiết này vẫn trôi qua mắt, thoảng qua tai khán giả và hằng ngày họ nghe nói, “hưởng thụ” nó trên rất nhiều kênh truyền hình hoàn toàn miễn phí. Âm thầm và lặng lẽ, những bộ phim tài liệu thuộc đủ các thể loại ấy cứ nhòe lẫn, hòa tan vào những tác phẩm báo chí truyền hình được phát sóng trong nhiều sự kiện, ngày truyền thống…

Phim chiếu rạp sẽ tăng hiệu quả truyền đạt tới người xem và dễ quảng bá rộng rãi, song một trong những lý do khiến phim tài liệu khó ra rạp là dung lượng ngắn, chỉ khoảng 30 - 45 phút/phim, trong khi phim chiếu rạp tiêu chuẩn thường 80 - 120 phút.

Hiện tượng “cháy vé” hiếm hoi của phim tài liệu tuy có nhưng khá thưa thớt. “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” (năm 2014) hay Lửa Thiện Nhân (năm 2015), rồi chùm phim “Đáng sống” (2016) được phát hành thương mại tại một số hệ thống rạp chiếu lớn, đã cho thấy sự đổi mới trong tư duy sáng tác và sự dấn thân, tâm huyết của các nhà làm phim với xu hướng phim tài liệu hiện thực.

“Đáng sống” của đạo diễn Đặng Hồng Giang có mặt tại 8 cụm rạp chiếu lớn ở Hà Nội và TPHCM cuối năm 2016, bán vé bình đẳng như các phim truyện điện ảnh và nhận nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Phim tài liệu độc lập về hành trình chuyển giới “Finding Phong” (Đi tìm Phong) của đạo diễn Phạm Phương Thảo năm 2018 đã nhận được phản hồi tích cực từ khán giả sau khi được chiếu ở các cụm rạp CGV, Galaxy, Lotte, Cinestar tại TPHCM và TP Hà Nội. Mới đây, “Những cánh én đầu tiên” thuộc

series “Không chiến Việt Nam” của đạo diễn Lê Nguyên Bảo có thời lượng 40 phút ra mắt cuối tháng 4/2019 cũng tạo được sức hút tại hệ thống rạp chiếu Thủ đô.

Theo đạo diễn Trịnh Quang Tùng - Phó Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, đội ngũ làm phim tài liệu Việt hiện nay không chỉ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, mà còn có các đạo diễn của Đài Truyền hình Việt Nam, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam và nhiều tác giả độc lập.

Trước đây phim tài liệu của chúng ta thường có nhiều lời bình, thể hiện ý kiến chủ quan của tác giả. Nhưng qua cọ xát từ các liên hoan phim hằng năm, các đạo diễn đã khéo léo gửi gắm nội dung, biết cách biến nhân vật thành nguồn truyền cảm hứng, dẫn dắt chuyện phim. Thời hoàng kim của phim tài liệu đã ghi dấu những tên tuổi bậc thầy như đạo diễn NSND Khương Mễ, Mai Lộc, Nguyễn Tiến Lợi, Bùi Đình Hạc, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trần Văn Thủy, Lương Đức, Đào Trọng Khánh, Lê Mạnh Thích, Nguyễn Văn Thước…

Cùng với các nhà làm phim giàu kinh nghiệm đã xuất hiện một lớp đạo diễn trẻ đang trưởng thành, biết kế thừa cha anh và dám dấn thân, tìm mới, tạo nên những bước chuyển cho phim tài liệu Việt Nam. Những gương mặt của điện ảnh đương đại đã bước đầu bắt kịp xu hướng làm phim của thế giới với những bộ phim mang tính hội nhập cao. Họ đang cố gắng cho ra đời những tác phẩm có giá trị, giàu sức lay động, cho khán giả quyền hy vọng vào khởi sắc của phim tài liệu Việt Nam trong tương lai gần.

Khán giả kín rạp thưởng thức phim tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 10
Khán giả kín rạp thưởng thức phim tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 10 

Mỏ vàng đề tài

Với sự chuyển động mạnh mẽ cùng thời cuộc, phim tài liệu ngày càng nắm bắt cơ hội phân tích xã hội đương đại, để chất vấn những mối quan hệ giữa cộng đồng với môi trường, đi sâu vào khám phá các vùng đất và khai thác các chủ đề mới. So với phim truyện điện ảnh và phim truyền hình khan hiếm kịch bản hay, phải đi vay mượn, chắp vá đề tài thì mảng hiện thực cuộc sống đang là thuận lợi lớn của dòng phim tài liệu, là mỏ vàng đề tài đang cần được khai thác.

Đạo diễn Nguyễn Thước nhận định: Xu thế phát triển tất yếu của phim tài liệu, đó là bám vào dòng chảy cuộc sống, đồng hành với cuộc sống. Nhờ các đạo diễn không ngừng tìm tòi, dấn thân, mở rộng đề tài, phim tài liệu những năm qua đa dạng, hấp dẫn hơn. Các nhà làm phim cũng chú trọng đến tính nghệ thuật, thể hiện sự sáng tạo khám phá trong mỗi khuôn hình để đem lại yếu tố bất ngờ, cung cấp kiến thức song hành cùng tính giải trí trong mỗi bộ phim. Hướng đi hiệu quả của dòng phim tài liệu hiện thực là tìm tòi sự hướng thiện, tôn vinh những tình cảm cao đẹp trong cuộc sống; nhưng cũng chứa đựng sự xót xa, trăn trở trước nhiều góc khuất trái ngang trong xã hội…

Lối làm phim cũ thiên về dàn dựng bối cảnh, trau chuốt hình ảnh, lời thoại nhưng làm mất đi sự chân thực đã được thay thế bằng lối mới thấm đẫm những trăn trở về thời cuộc khiến người xem cảm động. Các nhà làm phim có thể chủ động đầu tư kinh phí, theo đuổi nhân vật hàng năm trời, chủ động lựa chọn diễn biến và dễ dàng thể hiện cá tính sáng tạo, dấu ấn cá nhân trong tác phẩm của mình. Ngay cả giải Oscar danh giá cũng có chỗ đứng cho nhóm thể loại phim này. Thời gian qua, nhiều giải thưởng giành được trong nước và quốc tế đã chứng minh sự phát triển không ngừng, đầy sức thuyết phục của phim tài liệu Việt.

Làm phim vất vả, đưa ra rạp càng khó khăn. Khó khăn trong thỏa thuận với rạp chiếu, trong truyền thông, quảng bá lôi kéo khán giả tới rạp. Phim tài liệu khó thu hút nhãn hàng tài trợ và cũng “thiếu” cả ngôi sao giải trí. Nếu không có những “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ đắc lực thì giấc mơ trụ rạp của phim tài liệt vẫn chưa ở thì tương lai gần.

Theo đạo diễn Trịnh Quang Tùng, phim tài liệu khó đến với khán giả do không có cơ sở chiếu phim nào phát hành. Ngay tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tuy có rạp chiếu nhưng đã quá xuống cấp và hãng cũng không được phép bán vé kinh doanh. Nếu được đầu tư, nâng cấp thì rạp chiếu của hãng cũng có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn cho khán giả yêu phim tài liệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ