(GD&TĐ) - Việc đưa phim tài liệu Việt Nam đến gần hơn với công chúng luôn là điều khó khăn. Làm thế nào để phim tài liệu Việt Nam có sức sống lâu bền là điều mà các nhà làm phim Việt hiện nay trăn trở.
Rạp từ chối chiếu phim tài liệu
Được xem là thể loại ra đời sớm nhất, góp phần khai sinh ra nền điện ảnh Việt Nam, phản ánh chân thực và tương đối đầy đủ cuộc sống của dân tộc Việt đi qua chiến tranh đến hòa bình, xây dựng và phát triển hội nhập. Nhiều bộ phim tài liệu để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả như Những cô gái Ngư Thủy, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Nước về Bắc Hưng Hải…
Thực tế là trong những năm gần đây, phim tài liệu Việt Nam đang sống một cách thoi thóp. Số lượng phim tài liệu nhựa mỗi năm sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay, phim video nhiều hơn nhưng thường dừng lại ở dạng phóng sự, phóng sự tài liệu, phim tài liệu khoa học thì càng ít. Nhiều phim sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà nước với mục đích tuyên truyền. Còn những phim đủ tiêu chuẩn chiếu rạp và hấp dẫn chưa nhiều.
Đạo diễn Trần Thanh Thảo chia sẻ: Chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn ra rạp, thế nhưng khi liên hệ với các rạp, họ trả lời thẳng luôn rằng, không thể phát hành phim tài liệu và hiện tại họ thiếu rạp để kinh doanh.
Cảnh trong phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” |
Những người sản xuất phim tài liệu vẫn luôn trăn trở, làm sao để phim tài liệu Việt Nam có sức sống lâu bền hơn chứ không chỉ được quan tâm khi nào diễn ra Liên hoan phim. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này nhưng đa số các nhà làm phim đều cho rằng điều quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng phim. Phim không hay thì có PR mấy cũng không hút được khán giả. "Phim hay thì người ta sẽ tự tìm đến xem thôi. Thực trạng này cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống, nếu cuộc sống cần một đằng, người làm phim thực hiện một nẻo thì không thể cuốn hút khán giả được", đạo diễn của phim Hà Nội trong mắt ai Trần Văn Thuỷ khẳng định.
Còn theo đạo diễn Trần Phương Thảo, yếu tố đầu ra cũng rất quan trọng, bởi có những phim đoạt giải quốc tế, nhưng nhà đài cũng không có ý mua để phát sóng. Nhất là với những người làm phim độc lập, họ còn gặp nhiều khó khăn về tài chính để có thể thâm nhập thực tế, lấy tư liệu cho việc sản xuất một bộ phim có chất lượng.
Muốn "sống" thì phải hay
Theo NSND Thế Anh, giống như phim truyện, chất lượng phim tài liệu của chúng ta cũng còn nhiều vấn đề cần bàn, mà yếu tố đầu tiên là thiếu một kịch bản sâu sắc, thiếu tính thực tế.
Hiện các bộ phim tài liệu của Việt Nam sản xuất đã đi vào cuộc sống của người dân, phản ánh chân thực nhiều góc cạnh của xã hội, nhưng sức thu hút khán giả vẫn là nỗi niềm của các nhà làm phim. Phim tài liệu chưa tìm lại sức sống vốn có của nó - điều mà những nhà làm phim tài liệu trước đây đã từng khẳng định tên tuổi và chỗ đứng cho phim tài liệu. Vậy nên, giấc mơ phim tài liệu chiếu rạp vẫn còn xa vời đâu đó, nếu có được chiếu, cũng chỉ là chiếu xen kẽ, hoặc chiếu đệm cho các bộ phim truyện nhựa.
Theo đạo diễn Trần Văn Thủy, muốn phim tài liệu có sức sống lâu bền thì cần phải làm được những bộ phim hay. Phải làm phim hay để thu hút khán giả. Nhưng làm thế nào để phim hay lại là điều đáng bàn. "Với phim tài liệu, chân thực là yếu tố quyết định. Việc chọn đề tài phải chân thực, không khiên cưỡng để từ đó tìm được chất liệu tốt cho câu chuyện. Thêm vào đó theo ý kiến và kinh nghiệm của riêng tôi, yếu tố quan trọng nữa là phải có thủ pháp, có tay nghề, hay nói như chúng tôi là phải có "võ"".
Đạo diễn Trần Phương Thảo cho rằng: "Để thu hút khán giả thì mỗi người phải tìm được phong cách cho riêng mình. Cần có nhiều tác giả làm phim tài liệu hơn để có nhiều phim tài liệu mới, hấp dẫn ra mắt công chúng". Đạo diễn cũng cho rằng phim tài liệu Việt Nam sẽ đến với khán giả bằng nhiều cách: "Có thể phim tài liệu chưa tới rạp, chưa thu được tiền vé, nhưng với những người làm phim như chúng tôi, việc các khán phòng có đông khán giả tới xem khi ra mắt phim đã là điều đáng mừng".
Đạo diễn Trần Văn Thuỷ tỏ ra lạc quan: "Tôi mừng vì những nhà làm phim trẻ Việt Nam đang có nhiều cách tiếp cận mới tới những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, việc có được những bộ phim tài liệu hấp dẫn là trong tầm tay".
Lê Đăng