Phim tài liệu Việt: Đã vượt lên chính mình

GD&TĐ - Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam liên tiếp đóng vai trò đăng cai tổ chức các Liên hoan phim tài liệu Quốc tế. Dẫu chưa mạnh với những bộ phim tài liệu đặc biệt mới mẻ về phong cách, sự bứt phá về thể hiện song tại Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu và Việt Nam lần thứ 8 vừa diễn ra chúng ta đã có thể mừng bởi với những sự bứt phá trên nhiều yếu tố và đã vượt lên chính khó khăn của mình để bắt đầu khẳng định.

Phim tài liệu Việt:  Đã vượt lên chính mình

Phong phú đa sắc màu

31 phim tài liệu được trình chiếu tại Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu và VN lần thứ 8 vừa kết thúc. Với đề tài và nội dung phong phú, các bộ phim đến từ nhiều nước: Anh, Pháp, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bỉ và Israel chiếu trong Liên hoan đã mang đến cho khán giả những góc nhìn mới, đa chiều hơn về xã hội, về những mối quan hệ giữa con người với môi trường, khám phá những vùng đất cũng như những chủ đề mới.

Đặc biệt, trong liên hoan lần này các phim tài liệu của Việt Nam sản xuất đã được đánh giá cao hơn từ giới chuyên môn. Hầu hết các bộ phim đã phản ánh nhiều đề tài xã hội đa dạng, đáng chú ý.

Với “Con đường phía trước” nhắn nhủ mọi người đừng xem tự kỉ là một loại bệnh hay những đứa trẻ tự kỉ như bệnh nhân, mà hãy xem các con như một cá thể đặc biệt được sinh ra trong một môi trường đặc biệt để từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp.

“Hai đứa trẻ” lại đề cập đến câu chuyện hai đứa trẻ bị trao nhầm sau khi sinh ra cách đây gần 4 năm tại Bệnh viện Đa khoa Thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, và những tác động đến hai đứa trẻ và các bậc cha mẹ chúng bởi sự nhầm lẫn đó.

“Nhật ký của ba” kể về quá trình nuôi con của người cha đơn thân Trình Tuấn. Trình Tuấn đã lập ra ngân hàng sữa mẹ trên facebook để các bà mẹ nuôi con có thể cho nhau sữa mẹ và được rất nhiều người quan tâm.

“Chuyện ngày hôm qua” là 21 năm hình thành và phát triển của ban nhạc Rock Bức Tường thông qua lời kể của chính những người trong cuộc. “Thủ lĩnh” ban nhạc - Trần Lập - và những chàng trai mạnh mẽ, đam mê nghệ thuật đã nhiệt tình cống hiến cho âm nhạc và ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả.

“Mẹ ơi, con đã về” được thực hiện trên hành trình lần đầu trở về Việt Nam của Stacy Thuy Meredith, một con nuôi đã rời khỏi quê hương ngay trước khi cuộc chiến kết thúc. Phim nói lên khát khao trở lại quê hương, tìm lại ký ức về quê mẹ của những người con lưu lạc suốt 40 năm qua và mang thông điệp hòa hợp dân tộc sâu sắc.

Một “Việt Nam thời bao cấp” tái hiện cuộc sống vất vả và tình người sâu đậm thời bao cấp - một ký ức đẹp của những người Việt Nam từng trải qua...

Để phim tài liệu Việt cất cánh

Trong thời gian qua, nhiều phim tài liệu của Việt Nam giành giải cao tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, ví dụ Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Trở lại Ngư Thủy; Chị Năm Khùng; Chốn quê; Còn lại với thời gian… Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào thực tế đó là các nhà đầu tư chưa mấy mặn mà với việc sản xuất phim tài liệu. Một số đài truyền hình nơi sản xuất các bộ phim tài liệu đã có phương án xã hội hóa, nhưng vẫn chưa làm được.

Nguyên nhân ngoài chất lượng chưa cao còn bởi lượng người xem phim tài liệu không nhiều. Với giờ vàng không khó để lôi quảng cáo thì phim tài liệu Việt lại khó làm được những điều như phim truyền hình.

Mặt khác cách sắp xếp thời gian, thời lượng phát sóng dành cho phim tài liệu dường như vẫn chưa được chú trọng, hợp lý. Một tuần phim tài liệu được với thời lượng không nhiều, trên các kênh chính đã ít thì các kênh phụ cũng chỉ là chương trình đơn lẻ, chưa có tính hệ thống. Với cách phát này, khó lòng tạo nên một thói quen và trở thành sở thích cho người xem phim tài liệu.

Thua kém nhiều so với phim tài liệu thế giới về mặt nội dung, phim Việt Nam còn thua cả về mặt khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà đài cần sắp xếp chương trình phát sóng hợp lý và quy hoạch thêm một số chương trình chuyên biệt.

Từ đó cũng thật dễ hiểu cho việc khó tìm “mạnh thường quân” cho phim tài liệu Việt. Bởi những người đầu tư dù tâm huyết, thông cảm đến mấy cho phim tài liệu song mấy ai muốn tài trợ cho những thước phim ngắn ngủi và lượng khán giả chưa nhiều. Giải pháp an toàn hơn cả vẫn là chọn những bộ phim được phát sóng giờ vàng, lượng khán giả cao. Đầu tư xét cho cùng thì vẫn phải mang về lợi ích…

Nhiều đạo diễn còn chỉ ra điểm yếu của phim tài liệu Việt chính là khi khai thác một vấn đề nào đó, chúng ta vì quá e ngại mà có lúc không đề cao các quan điểm nghệ thuật bằng quan điểm chính trị. Như thế thì phim không hay và bị chủ quan. Trong khi đòi hỏi của phim tài liệu là sự khách quan.

Bệnh chung của phim tài liệu Việt còn là vấn đề nhạt, kịch bản vô hồn, đơn điệu dẫn tới những thước phim đơn giản. Phim tài liệu Việt dường như mới chỉ tư duy theo chiều ngang nên phim thiếu sự đột phá, thiếu những xúc cảm bất ngờ. Ngoài ra khó khăn về kinh phí, phương tiện kỹ thuật cũng khiến người làm nghề bị hạn chế…

Với những khó khăn đang tồn tại những người làm phim tài liệu khoa học Việt thật khó để kích thích được tính sáng tạo, sự “sống chết” với nghề. Dường như những người làm phim tài liệu khoa học Việt vẫn đang làm nghề với tình yêu, sự nhiệt huyết vô bờ bến đặt lên trên những lợi ích cá nhân khác

Trong đợt nhiều LHP tài liệu quốc tế vừa diễn ra nhiều bộ phim tài liệu Việt được lựa chọn và mời tham dự các liên hoan quốc tế và được giới chuyên môn đánh giá cao. Điều đó cho thấy chúng ta hoàn toàn có tiềm năng và có thể phát triển dòng phim tài liệu khởi sắc hơn trong tương lai. Tuy nhiên, để làm được điều đó, vẫn cần những chiến lược lâu dài, sự đầu tư nghiêm túc, học hỏi… hơn nữa để phim tài liệu Việt vượt lên và khẳng định được chính mình.

Một đất nước không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh. Thế nên vấn đề vẫn là chúng ta phát triển và có chính sách ra sao với dòng phim này? Từ đó sẽ không mất đi một lượng lớn khán giả và những người yêu nghề làm phim tài liệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.