Philippines: Trái ngọt từ chính sách ngoại giao đa phương

GD&TĐ - Bài bác hết lời đồng minh chiến lược Mỹ và xích lại gần những quốc gia đối trọng của Mỹ là Nga và Trung Quốc, nhưng rồi Philippines lại nhanh chóng nắm lấy bàn tay Mỹ khi có biến cố. 

Philippines: Trái ngọt từ chính sách ngoại giao đa phương

Philippines đang nhận được sự hỗ trợ quân sự lớn cũng như “cân bằng quan hệ” từ chính sách ngoại giao đa phương này…

Rộng cửa đón khách

Chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 24/10 ở vào thời điểm không thể tốt hơn khi mà Manila đang ăn mừng chiến thắng chống phiến quân IS tại thành phố Marawi – một chiến thắng dựa nhiều vào sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.

Tuy nhiên cũng vào thời điểm Jim Mattis gặp gỡ Tổng thống Rodrigo Duterte, 5 tàu chiến Nga đang neo đậu ngoài khơi và Moscow cũng sẵn sàng chính thức chuyển giao hàng nghìn súng trường tự động, 1 triệu băng đạn và 20 xe tải quân sự tại một buổi lễ long trọng vào ngày 25/10.

Ngay trước khi gặp Mattis, cũng trong ngày 24/10, ông Duterte đã gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, người cũng giống như Mattis, đang tham dự cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng châu Á tại Bắc Manila. Shoigu đã kí 2 thoả thuận quân sự. Vào ngày 25/4, Tổng thống Duterte thăm một tàu chống ngầm của Nga, con tàu mang tên Adminal Pantaleyev, đang neo tại Manila.

Đại sứ Mỹ Sung Kim xua đi bất cứ quan ngại nào của Mỹ về việc ông Duterte tiếp cận với Trung Quốc và Nga, và lưu ý rằng Mỹ, “mẫu quốc” của Philippines thời thuộc địa là đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines và có quan hệ ăn sâu bám rễ tại Philippines.

Chính sách mâu thuẫn hay khôn khéo

Những phát biểu chống Mỹ “nặng nề” của ông Duterte đã trở thành “thương hiệu” của ông trong thời gian đầu nắm quyền Tổng thống. Ông Duterte đã nhiều lần chỉ trích căng thẳng cách đối xử kiểu bề trên của Mỹ, thậm chí dọa cắt đứt quan hệ với Mỹ bất chấp sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ.

Tuy nhiên, quan điểm bài bác Mỹ của ông Duterte đã thay đổi một cách nhanh chóng. Hồi tháng 8, ông Duterte nồng nhiệt chào đón Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson, tự nhận mình là một “người bạn khiêm nhường” của nước Mỹ vào thời điểm đó.

Theo Đại sứ Sung Kim, ông Duterte đã dần cải thiện “tông giọng và lập trường” trong quan hệ song phương qua 10 tháng tại nhiệm Tổng thống.

Trong những ngày đầu phiến quân nổi dậy, quân đội Philippines yếu ớt kinh nghiệm thực chiến nhanh chóng thất thủ tại khu vực đô thị Marawi. Quân nổi dậy thậm chí có tham vọng sử dùng đảo Mindanao làm căn cứ cho các hoạt động tại Đông Nam Á.

Phát ngôn “bài Mỹ” của ông Duterte gắn liền với diễn biến của cuộc chiến chống quân nổi dậy. Theo Đại sứ Kim, sự hỗ trợ của Mỹ đã tạo nên “khác biệt bước ngoặt” trong cuộc chiến tại Marawi, đặc biệt là hỗ trợ thông tin tình báo, bao gồm triển khai máy bay do thám Gray Eagle và P-3 Orion.

“Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều ngạc nhiên với sức mạnh của phiến quân tại thành phố Marawi” - Đại sứ Kim bình luận - “Khi bạn rơi vào một tình thế như vậy, bạn hiển nhiên đủ thông minh để tìm đến đồng minh cần thiết giúp thoát ra khỏi tình thế nguy cấp đó”.

Ngay cả Tổng tư lệnh quân đội Philippines Eduardo Ano cũng thừa nhận thông tin tình báo của Mỹ giúp quân chính phủ “lấy lại cân bằng” sau những ngày đầu vô cùng khó khăn.

Nhưng cho dù “công đầu” thuộc về Mỹ trong cuộc chiến tại Marawi thì ông Duterte cũng không quên “khen khéo” sự trợ giúp của Trung Quốc. Ông Duterte nói rằng 1 trong 100 viên đạn bắt tỉa của Trung Quốc đã tiêu diệt Isnilon Hapilon, một thủ lĩnh IS tại Đông Nam Á, vào ngày 16/10.

Hôm 24/10, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết, Philippines sẽ tiếp nhận nhiều súng trường và đạn dược, cùng với 4 tàu tuần tra cao tốc từ Bắc Kinh trước cuối năm nay.

Mỹ là quốc gia cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự lớn nhất cho Philippines, với khoảng 1 tỉ USD cho thiết bị quân sự từ năm 2000 đến nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ