(GD&TĐ) - Trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ngày một leo thang, Chính phủ Philippines đã thông báo với Washington rằng họ muốn Mỹ xây dựng căn cứ quân sự lâu dài trên lãnh thổ của họ. Hiểu theo cách nói của Philippines thì hai căn cứ Subic và Clark Field đã sẵn sàng “trải thảm đỏ” chào đón người Mỹ quay trở lại. Tuy nhiên, Washington chưa sẵn sàng xây dựng căn cứ quân sự lâu dài mà chỉ muốn tàu thuyền của họ được qua lại các cảng biển của Philippines.
Câu chuyện của hơn 20 năm trước
Hơn 20 năm trước, một căn cứ hải quân được xếp vào loại lớn nhất Thái Bình Dương, là cơ sở nghỉ ngơi, giải trí và tiếp nhiên liệu cũng như sửa chữa tàu bè của Mỹ ngự trị trên vịnh Subic trong thời gian dài. Nhất là trong những năm tháng chiến tranh Việt Nam, Subic trở thành siêu căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Theo con số thống kê, từ 98 chuyến tàu ghé cảng Subic trung bình mỗi tháng vào năm 1964 đã vượt lên 215 chuyến vào năm 1967. Subic quan trọng đến nỗi, vào năm 1968, Tướng William Westmoreland phải đích thân đến thăm vịnh và cảm ơn các nhân viên của căn cứ đã trợ giúp ông khi làm tư lệnh quân Mỹ tại Việt Nam.
Tuy nhiên đến năm 1991 Quốc hội Philippines đã quyết định đóng cửa căn cứ quân sự của Mỹ ở cảng Subic và đến năm 1992, căn cứ không quân Clark - “di tích” của chiến tranh lạnh cũng bị xóa sổ. Ngày 24/11/1992, lá cờ Mỹ cuối cùng đã được hạ xuống tại Subic cùng 1.416 thủy thủ, thủy quân lục chiến rời khỏi Philippines. Sau 4 thế kỷ, đây là lần đầu tiên trên đất nước Philippine không có sự hiện diện của lực lượng quân sự ngoại bang. Thượng nghị sĩ Agapito Aquino khi đó đã gọi quyết định đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ ở Subic là làm “hồi sinh dân tộc”.
Subic đã sẵn sàng chờ đợi Mỹ |
Và thời thế đã đổi thay…
Tranh chấp biển đảo giữa Philippines và Trung Quốc đã xảy ra mấy năm nay và độ căng thẳng của nó càng có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Trong lúc cả thế giới mải mê hướng sự chú ý vào Syria thì biển Đông đã dậy sóng. Đầu tháng 9, Bộ Quốc phòng Philippines tố cáo Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng móng công sự tại bãi cạn Scarborough. Theo Bộ Quốc phòng Philippines, 75 khối bê tông được Trung Quốc thả xuống bãi cạn Scarborough đã bị phát hiện vào ngày 2/9. Chính vì vậy, Philippines khao khát có sự hiện diện của Mỹ ở Subic, nơi cách bãi cạn Scarborough không xa. Những năm gần đây, tàu Mỹ vẫn thỉnh thoảng vào ra cảng Subic, những cuộc tập trận thường niên giữa hai nước vẫn diễn ra... nhưng chỉ chừng ấy thôi là chưa đủ. Malina muốn Washington “trực chiến” ngay tại Subic này.
Vào thứ tư tuần này, Philippines và Mỹ có cuộc tập trận chung hàng năm kéo dài tới 3 tuần với nội dung đổ bộ trên đảo Luzon - Hãng Interfax trích nguồn tin từ báo New Straits Times của Malaysia cho biết. Cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines lần này có sự tham gia của 2.300 lính thủy đánh bộ hai nước, còn địa điểm tập trận chỉ cách bãi cạn Scarborough có 220 cây số. Điều đáng nói là cuộc tập trận này diễn ra trước thềm chuyến công du 4 nước Đông Nam Á (Indonesia, Brunei, Malaysia, Philippines) từ 6 - 12/10 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Theo chuyên gia an ninh khu vực Ian Storey thì Trung Quốc sẽ xem cuộc tập trận chung như “một bằng chứng về sự khuấy động tình hình vốn đã căng thẳng ở biển Đông của Philippines và Mỹ lợi dụng tình hình để tăng sự hiện diện của họ”.
Tuy nhiên, chuyện có lẽ chỉ dừng lại ở những hoạt động mang tính nhỏ lẻ của hai bên, sự trở lại lâu dài của Mỹ là hoàn toàn không đơn giản - Wall Street Journal nhận định.
Thứ nhất, Philippines phải sửa đổi hiến pháp, bỏ điều cấm quân đội nước ngoài hiện diện ở nước họ.
Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay Mỹ không có ý định tái xây dựng căn cứ quân sự trong tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc. Xây dựng một căn cứ quân sự như vậy là khá tốn kém và trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu quân sự như hiện nay có thể coi là không hợp thời.
Thứ ba, Washington không muốn gây thù chuốc oán với Trung Quốc - nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Brunei, Việt Nam, Malaysia... Nếu Mỹ can thiệp vào khu vực được coi là nhạy cảm này thì có thể rơi vào cái bẫy mà đỉnh điểm của nó là xung đột với một cường quốc hạt nhân.
Cuối cùng, Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, là thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp xe hơi, các dịch vụ hàng không của Mỹ.
Như vậy, xác suất tái xây dựng căn cứ quân sự của Mỹ ở Phlippines là không lớn. Nói như lời Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Samuel Locklear rằng: Đi đâu người ta luôn hỏi tôi Mỹ có làm sống lại các căn cứ quân sự ở vịnh Subic hay Clark Field? Và tôi trả lời rằng: Mỹ không có ý định xây dựng căn cứ quân sự ở bất cứ nơi nào trong khu vực Thái Bình Dương. Chúng tôi không làm điều đó”.
Bao giờ cho đến ngày xưa, cái ngày Subic rầm rập những đoàn quân. Giờ đây, các điều kiện cho sự trở lại Subic của người Mỹ đã sẵn sàng: Nhà chứa máy bay được Mỹ xây dựng trước đây vẫn còn đó; sân bay với đường băng rộng dành cho máy bay ném bom vẫn y nguyên; bến cảng dành cho tàu sân bay trống vắng như mòn mỏi đứng chờ; cầu cảng Subic đơn côi đối mặt với những cơn sóng lừng biển Đông...
Washington có biết không?
Anh Phương