Phiến quân IS bắt cóc 25.000 cô gái

Nghị sĩ duy nhất của cộng đồng thiểu số Yazidi tại Iraq cho hay tình hình nhân quyền tại nước này đang xấu đi, khi các phiến quân của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt cóc, hãm hiếp và bán hàng nghìn phụ nữ Yazidi.

Phiến quân IS bắt cóc 25.000 cô gái
Nữ nghị sĩ Vian Dakhil.

Nữ nghị sĩ Vian Dakhil.

“Họ vẫn không hề có bất kỳ nơi tạm trú nào. Họ đang phải ngủ trên các đường phố. Tình hình không tốt và mùa đông sắp đến rồi”, nữ nghị sĩ Vian Dakhil cho biết trong cuộc phỏng vấn mới đây từ vùng người Kurd của Iraq.

Bà Dakhil, người đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc tới, hôm 6/10 đã giành giải thưởng Anna Politkovskaya do tổ chức "Vươn tới tất cả phụ nữ trong chiến tranh" trao tặng. Giải thưởng này, được đặt theo tên của nữ nhà báo Nga bị sát hại, tôn vinh các phụ nữ có đóng góp cho việc trợ giúp những người vướng vào xung đột.

Nghị sĩ Dakhil, hiện đang phục hồi do những vết thương trong vụ tai nạn trực thăng hôm 12/8 trên đỉnh núi Sinjar ở miền bắc Iraq, cho hay mặc dù các phiến quân IS đã buộc các phụ nữ Cơ đốc giáo phải rời khỏi nhà cửa nhưng các phụ nữ Yazidi thường hứng chịu số phận tồi tệ nhất.

“Chỉ các phụ nữ Yazidi bị bắt cóc. Chúng tôi không biết tại sao các phụ nữ Yazidi lại trở thành mục tiêu”, bà Dakhil nói.

Theo nữ nghị sĩ, trong số hơn 500.000 người Yazidi tại Iraq, khoảng 25.000 cô gái Yazidi đã bị các phiến quân IS bắt cóc.
“Chúng tôi không biết chính xác tất cả họ đang ở đâu, nhưng một số người bị nhốt ở các nhà tù khác nhau tại Iraq và một số bị đưa tới Syria, một số tại Mosul. Họ đã bị hãm hiếp và chúng đang bán các cô gái với giá 150 USD mỗi người”, bà Dakhil nói.

Bà Dakhil cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để trợ giúp cảnh ngộ khốn cùng của người Kurd và người thiểu số vốn đã phải đối mặt với sự ngược đãi trong nhiều thế kỷ và bị người Hồi giáo mệnh danh là “các tín đồ ma quỷ”.

Bà Dakhil đã thu hút sự chú ý của quốc tế hồi tháng 8 sau khi đưa ra lời tỉnh cầu khẩn thiết tại quốc hội Iraq về số phận những người Yazidi đang bị kẹt trên núi Sinjar, nơi bị các phiến quân IS bao vây. Bà Dakhil gọi đó là tội diệt chủng.

Bài phát biểu xúc động của bà Dakhil đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama quan tâm khi ông nhắc tới tên bà hôm 7/8 khi công bố các chiến dịch không kích IS và một nỗ lực cứu trợ nhân đạo nhằm giải cứu người Yazidi.

Nhóm phiến quân IS đã chiếm các khu vực rộng lớn tại Iraq và Syria. Liên quân do Mỹ đứng đầu hiện đang tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS ở hai nước này.
Trước các cáo buộc của nghị sĩ Dakhil, IS cũng đã bị tố bắt cóc và sát hại hàng nghìn người thiểu số Yazidi tại Iraq.
Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ