Phiên họp toàn thể thứ 5 Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

GD&TĐ - Sáng 9/7, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 5. Phiên họp bàn về tình hình thực hiện Thỏa thuận giữa Việt Nam và Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước.

Phiên họp  toàn thể thứ 5  Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Các thành viên của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đánh giá, việc triển khai Thỏa thuận thực hiện cơ bản theo sát kế hoạch và lộ trình đã được hai bên thống nhất, đến nay ở cấp cơ sở.

Theo kế hoạch thỏa thuận, đến hết tháng 6/2018, các địa phương phải hoàn thành công tác điều tra, thống kê, phân loại và lập danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt - Lào. Tuy nhiên, hiện mới có 13/19 cặp tỉnh hoàn thành nội dung này, đạt 68% kế hoạch đề ra.

Trong đó, Ủy ban Biên giới quốc gia đã trình Trưởng đoàn đại biểu biên giới phía Việt Nam - Lào xem xét, phê duyệt danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của 4 cặp tỉnh là (Quảng Bình - Savannakhet; Quảng Bình - Khammouane; Hà Tĩnh - Bolikhamsai; Hà Tĩnh - Khammouane).

Hiện nay, lực lượng tham gia tổ chuyên viên liên hợp chủ yếu là cán bộ làm công tác kiêm nhiệm, nên không bố trí được thời gian khảo sát thường xuyên, do đó, việc bảo đảm tiến độ thực hiện thỏa thuận theo kế hoạch đã được hai bên thống nhất là rất khó.

Tại tỉnh Nghệ An tiếp giáp 3 tỉnh của Lào, do lực lượng mỏng và số lượng người di cư tự do và kết hôn không giá thú cần lập danh sách rất lớn (hàng nghìn người) nên tỉnh không thể cùng một lúc triển khai thực hiện công tác điều tra, thống kê, phân loại với 3 tỉnh đối diện phía Lào.

Một số ý kiến cho rằng: Khu vực biên giới Việt - Lào có địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, nhiều khu vực giao thông, thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, lại thêm tập quán du canh, du cư nên rất khó khăn cho việc tiến hành khảo sát, điều tra và thống kê phân loại người di cư tự do và kết hôn không giá thú.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc phía Lào đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng thỏa thuận ra các huyện không thuộc vùng biên giới sẽ khiến việc hoàn thành thỏa thuận vào tháng 12/2019 càng khó khăn do thiếu cán bộ, thiếu kinh phí, thiếu thời gian điều tra, xác minh, thậm chí thỏa thuận khó có thể thực hiện bởi không xác định được thời gian kết thúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ