Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh công tác giám định tư pháp đã có nhiều thay đổi sau khi ban hành Đề án 258. Nhận thức của các cơ quan chức năng có chuyển biến tích cực, 49 Ban Chỉ đạo ở địa phương đã được thành lập. Các cơ quan đã ban hành 36 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp.
Hệ thống giám định được củng cố, kiện toàn; cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ thực hiện giám định tư pháp, tăng cường hoạt động giám định, yêu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng… Trong 5 năm thực hiện, hầu hết các nhiệm vụ lớn của đề án đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc, khó khăn cần sớm được khắc phục. Đó là chậm ban hành văn bản hướng dẫn, một số quy định không còn phù hợp, các quy định của tố tụng về trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận chưa cụ thể, thực hiện chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ sở vật chất nhiều nơi còn thiếu, chưa bổ nhiệm đủ cán bộ giám định. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám định tư pháp, chưa tập trung nguồn lực cần thiết để triển khai đề án… Do vậy, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ của Đề án chưa được triển khai kịp thời.
Ở một số khâu, công tác giám định tư pháp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống như trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, pháp y tâm thần. Một số vụ trưng cầu giám định còn chung chung, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, vẫn còn tình trạng giám định nhiều lần nhưng kết quả lại khác nhau. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện toàn diện công tác giám định để bảo đảm tính khách quan, khoa học, minh bạch.
Phó Thủ tướng chỉ ra những yếu kém trong công tác giám định tư pháp, nhất là thực hiện giám định phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, môi trường, đất đai, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kết luận giám định chậm, có những vụ án phải có ý kiến của cấp cao mới đẩy nhanh được tiến độ giám định gây băn khoăn trong dư luận xã hội…
Theo Phó Thủ tướng, giải pháp cho tình trạng này là phải có tính chế tài cụ thể, khi cơ quan trưng cầu giám định đề nghị giám định thì tổ chức giám định phải thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ trả kết luận giám định, nếu từ chối giám định phải có lý do chính đáng, không thể “ngâm” hay từ chối không chính đáng được.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu việc xây dựng các tổ chức giám định độc lập và cán bộ chuyên trách giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giám định hiện nay./.