Phía sau phấn trắng bảng đen

Phía sau phấn trắng bảng đen

(GD&TD) - Tôi nể phục cô giáo Nguyễn Thu Hồng ở Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lao Cai), người ở tận Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có gần 10 năm cắm bản. Tốt nghiệp ĐH sư phạm tiếng Anh, không biết vì cớ sao, cô Hồng theo tiếng gọi của vùng cao Lào Cai lên nộp hồ sơ xin công tác.

Một trường cấp III mới thành lập ở vùng đặc biệt khó khăn “xa tít mù khơi” - bản Nà Đình, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai). “Năm 2004, khi cầm quyết định trên tay, tôi đã mường tượng ra cảnh đường sá, nhà cửa và học trò nơi vùng khó này khó khăn thế nào rồi” - cô Hồng tâm sự khi “bắt lời” cuộc trò chuyện.

Về Nghĩa Đô dẫu đã lường trước những khó khăn, ấy vậy hoàn cảnh lại vượt xa sự tưởng tượng của cô. Điện không có, nhà ở cho giáo viên và lớp học cho học sinh cũng tạm bợ bằng tranh tre nứa lá. Những ngày đầu xa nhà, nhớ quê cảm giác dài đằng đẵng như cả năm vậy. Tối đến, căn phòng chật hẹp chưa đầy 15m2 mà chứa đến bốn giáo viên, nhưng tứ phía vách nứa hở toang hoác, gió thông thốc thổi. Đêm đêm chỉ có đèn dầu leo lét để thắp sáng và soạn giáo án.

Những ngày đầu ở Nghĩa Đô, cô Hồng thấy đêm dài hơn ngày và chỉ muốn ngày kéo dài thêm. Bởi chỉ đến 18 giờ tối là trời tối mịt, xung quanh toàn núi và cây. May có chiếc đài nhỏ bố cô gửi cho để làm bạn nên cũng đỡ buồn.

Nghĩa Đô hình như là “rốn mưa” hay sao mà từ khi về nhận công tác, mưa liên hồi. Phòng ở giống như “khách sạn ngàn sao”, bị dột tứ phía vì thế đêm mưa các giáo viên càng thêm nhớ nhà. Những lúc ấy, nước mưa trên trần nhà dội xuống mặt cô Hồng, trộn với nước mắt, ướt đầm. Nước sinh hoạt ở trường chỉ trông chờ vào bể nước của dự án 135 tận trên nguồn dẫn về. Những khi trời mưa, nước đục hàng tuần không dùng được, cả khu tập thể đành mang xô, chậu vào nhà dân xin nước sạch.

v
Cô giáo Nguyễn Thu Hồng (mặc áo dài ở giữa) cùng học trò

Đến giờ, tuy đã sắp được 10 năm “cắm bản” nhưng cô Hồng nhớ lắm hình ảnh lớp học khi cô mới bước vào nghề. Nó chỉ là khung gỗ ghép tạm vào nhau nên tạo cảm giác chênh vênh. Nền lớp học bằng đất đầm nhẵn nhưng mau chóng bung ra toàn bột đất. Sau mỗi tiết học chân trò, chân cô đỏ đất cát. Khi cô mới đến dạy học, không phải đứa trẻ nào cũng ham học như bây giờ mà do cuộc sống khó khăn, chúng bỏ học lên nương rẫy làm giúp bố mẹ. Vậy là, có những buổi chiều cô phải trèo đèo lội suối đến tận những bản xa để “nịnh” bọn trẻ ra lớp. Nhiều khi đến bản còn “bị” phụ huynh mời uống đôi ba bát rượu mới chịu cho con đi học. Cô Hồng tâm sự: “Thú thật, đến giờ ngẫm lại mới thấy mình nể chính mình. Vì những ngày đầu đến bản Nà Đình này công tác, trong tôi toàn nỗi buồn, nhớ, chán nản, nước mắt và thất vọng. Mỗi buổi chiều về, chẳng biết làm gì đành ngồi trước phòng nhìn ra ngọn núi xa xăm giăng kín sương mờ. Rồi lại mong trời mau sáng để được nhìn những ánh mắt hồn nhiên, thơ ngây của học trò cho bớt buồn.”

Một năm, hai năm, “đất bén duyên người”, cô Hồng thấy quen dần mảnh đất này, thấy yêu thương học trò và dân bản vùng cao. Sau hai năm gắn bó, cô kết hôn với một thầy giáo dạy cấp II, nhà ở thị trấn cách trường hơn 30 cây số.

Lúc đầu, cô và chồng dạy học gần nhau, sau đó, chồng cô chuyển đến nơi cách đó hơn 10 cây số rồi sau ba năm nữa lại chuyển đi xa thêm hơn 20 cây số. Vậy là cô Hồng luôn phải sống xa chồng. Chỉ những ngày cuối tuần, chồng cô mới tranh thủ về.

Cô Hồng cho biết, cả hai đều “cắm bản” xa nên hai người phải cố gắng, hiểu và chia sẻ cho nhau. Vợ chồng cô có một cậu con trai kháu khỉnh. Cháu sinh ra và lớn lên giữa bản Tày đầy gian khó. Nhà ở, điện, nước thiếu nên khi cháu được hai tuổi, cô gửi về ông bà nội trông nom giúp. Gửi con về nhà bố mẹ chồng, đêm đêm sau khi soạn giáo án xong, cô Hồng trằn trọc không ngủ vì nhớ chồng cũng đang nhọc nhằn “cắm bản” nơi xa. Lại thương con không được sống gần bố mẹ.

Vào những tháng trời mưa liên miên, đường bị sạt lở, cả tháng trời cô Hồng không về được nhà thăm chồng con. Cô Hồng bùi ngùi kể: “Lúc cháu còn ở đây, có một bận, nhà trường bật máy nổ để tổ chức văn nghệ, tôi bế cháu ra xem, thằng bé cứ nhìn chằm chằm vào bóng điện treo trên sân khấu mà không chịu về. Ngày thường nó đâu có biết đến thứ bóng đèn phát sáng đó…”

Khu tập thể nơi cô giáo Hồng đã ở 10 năm nay
Khu tập thể nơi cô giáo Hồng đã ở 10 năm nay
 

Giờ cô Hồng coi Nà Đình là quê hương thứ hai của mình. Các lớp học trò của cô ra trường, đi Hà Nội học đại học rồi về huyện làm cán bộ, có đứa về làm đồng nghiệp với cô, cô cũng đỡ tủi thân và thấy vui với nghề dạy học nơi vùng khó. Nay cơ sở vật chất nhà trường được cải thiện ít nhiều. Có dãy lớp học được xây khang trang song nhà ở của giáo viên thì không hề thay đổi. Khi nhìn nhà ở của cô Hồng cùng đồng nghiệp, vẫn là hai dãy nhà cấp 4 tạm bợ, tôi cứ bùi ngùi. Ngày nắng thì nóng ran, ngày mưa thì dột tứ phía, đa số những hàng chân cột mối đã ăn rỗng. Nỗi lo về nước sinh hoạt, hàng hóa tiêu dùng hàng ngày với những giáo viên vùng khó như cô Hồng vẫn còn. Lúc này, cô và đồng nghiệp còn phải đối mặt với cơn “bão giá” của thị trường, mà đồng lương và trợ cấp ở vùng đã ra khỏi chương trình 135 lại tụt xuống.

Tôi gặng hỏi, những lúc công việc và cuộc sống khó khăn, chị có ý định chuyển công tác hay chuyển về quê không? Cô Hồng cười, thành thật nói: “Khi tốt nghiệp sư phạm, không ai muốn dấn thân vào những vùng khó. Nhưng khi đến rồi, thấy gắn bó với học trò và nhân dân nên đành gác lại những nỗi lo cá nhân để sống và dạy chữ. Mình ở đây quen khổ rồi nên cố gắng dạy cống hiến cho đồng bào. Viên phấn ở đâu mà chẳng trắng, nhưng học trò ở đây thiệt thòi hơn.”

Nghe vậy, lòng tôi nghẹn lại. Tiếng nói của cô có cái hoang hoải của núi rừng. Phía sau cô và đồng nghiệp luôn có biết bao ước mơ của con trẻ. Các thầy cô là những người nuôi lớn ước mơ đó. Tôi bắt tay cô Hồng thật chặt thay cho sự trân trọng và cảm phục.

Nguyễn Thế Lượng