Giờ học làm hạt giấy tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu |
(GD&TĐ) - Tận tụy với HS, tận tâm với nghề nghiệp, cho dù môi trường dạy học của họ có không ít khó khăn, thử thách. Không thể đong đếm được những nỗ lực, sáng tạo của các giáo viên chuyên biệt chỉ để HS của mình bớt đi sự thua thiệt so với các bạn cùng trang lứa. Thế nên, những giáo viên dạy HS khuyết tật mà tôi đã gặp đều cho rằng, hạnh phúc đối với họ là những tiến bộ dù là rất nhỏ của các em.
Ngôn ngữ của đôi bàn tay
Giải Nhì cho sản phẩm Gậy dò đường thông minh dành cho HS khiếm thị của thầy Nguyễn Duy Quy và cô Đỗ Quyên (Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu - TP Đà Nẵng) trong Ngày hội sáng tạo ngành Giáo dục Đà Nẵng tổ chức vào tháng 10/2013 đã làm dày thêm những giải thưởng cho những đồ dùng dạy học, phục vụ cho HS khiếm thị.
Chuyển từ Quảng Nam về Đà Nẵng, cầm quyết định phân công giảng dạy tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, thầy giáo Nguyễn Duy Quy hết sức bỡ ngỡ và không khỏi lo lắng: Hầu hết HS đều bị khiếm thị trong khi những dòng chữ nổi đối với thầy là quá xa lạ.
Học chữ nổi từ chính HS để hòa nhập với các em trong môi trường mới và làm tất cả những gì có thể nhằm tạo điều kiện để các em học tốt, bởi các em đã mất đi một giác quan quan trọng để thu nhận thế giới xung quanh, thầy giáo Nguyễn Duy Quy đã góp phần cùng các em thắp lên ánh sáng cho những đêm dài vô tận, để ước mơ không chỉ là mơ ước…
“Để đảm bảo chất lượng cho các tiết dạy có những hình ảnh để minh họa, tôi phải dành rất nhiều thời gian chuẩn bị các hình vẽ. Cứ mỗi hình vẽ trên giấy bìa cứng bằng bảng lưới hoặc bảng Braille mất từ 3 - 5 phút, và chỉ dùng được một lần” – Thầy Quy cho biết.
Trong quá trình giảng dạy, để tiết kiệm thời gian và nguyên liệu, thầy Quy đã cố gắng để làm ra nhiều đồ dùng dạy học như hình tam giác đa năng, tứ giác đa năng, nhưng cũng chỉ sử dụng được trong một chương, sang chương khác lại phải làm mới hoàn toàn. Sau nhiều thời gian mày mò thử nghiệm, thầy Duy đã chế tạo ra Bảng từ dạy học môn Toán.
Với bộ ĐDDH gọn nhẹ, phục vụ hầu hết cho chương trình học toán ở bậc THCS và một số bộ môn khác, thầy Duy đã đạt giải thưởng trong nhiều hội thi ở các cấp. Từ bảng từ, thầy Duy đã sáng chế thêm bảng lưới và các dụng cụ lắp ghép, vẽ hình môn Toán, giúp học sinh tiết kiệm được thời gian vẽ hình, nhất là các hình tròn.
Từ cây gậy dò đường bình thường, thầy Quy đã mày mò nghiên cứu, chế thêm mạch điện, lắp đặt thêm đèn led chớp nháy và loa phát âm thanh với mục đích đảm bảo an toàn cho người khiếm thị khi sang đường hoặc di chuyển ở các ngã ba, ngã tư.
Sau 3 đợt thử nghiệm, thầy Quy đã có sản phẩm hoàn chỉnh với tiêu chí đơn giản về thiết kế, chi phí càng thấp càng tốt. Với cây gậy này, những HS Trường Nguyễn Đình Chiểu thuận lợi hơn khi ra ngoài mua sắm vật dụng cá nhân, đi học hòa nhập ở các trường phổ thông trên địa bàn.
Nhận 800.000 đồng từ giải thưởng, thầy Quy “sản xuất” thêm 3 cây gậy nữa cho HS và đồng nghiệp sử dụng. “Chỉ mất 120.000 đồng cho các thiết bị lắp đặt, cộng thêm tiền mua cây gậy khoảng 100.000 nữa, sản phẩm này nếu nhân rộng ra thì rất tiện ích cho người khiếm thị. Nếu công ty nào có ý định sản xuất đại trà, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao”.
Đảm nhiệm dạy phân môn Mỹ thuật và Dạy nghề thủ công tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, cô giáo Cao Thị Thủy đã có sáng kiến dạy nghề làm hạt giấy từ các phế phẩm giấy báo, lịch, bìa cũ - vào phân môn thủ công.
“Từ giấy rẻo thừa ở các tờ lịch sau khi đã xén ra để làm tập vở cho HS khiếm thị, tôi hướng dẫn cho các em cắt, quấn (vê) tạo thành các hạt giấy. Các hạt giấy này nếu kết hợp với một số phụ liệu có thể trở thành đồ trang sức như các loại vòng, dây đeo thẻ công chức, bông tai…; hoặc có thể tạo ra các sản phẩm thủ công gia dụng tinh xảo, đa dạng như tranh ghép hạt màu, mành sáo xâu hạt, giỏ xách, vật dụng trang trí…”.
Theo như cô Thủy nhận xét thì không phải HS nào cũng có thể hoàn thiện được sản phẩm, thậm chí có những em, cô giáo hướng dẫn cả năm trời nhưng khâu quấn giấy vẫn không đạt yêu cầu. Thế nhưng, cô giáo vẫn tận tình chỉ dẫn cho các em, bởi đây cũng là hoạt động bổ trợ cho việc trị liệu của HS.
“Các em có thể rèn luyện vận động tinh của các ngón tay, hỗ trợ cho việc trị liệu tật ở tay, phối hợp tay mắt; biết định hướng sợi giấy theo hướng phải trái, chính giữa; biết phối hợp nhiều khâu, cắt - quấn - dán - sơn - xâu chuỗi, kết hợp với đếm, thêm bớt số lượng; phối hợp màu sắc…”. Với những HS tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, tiết học này cũng giúp các em tập trung hơn, bớt việc tăng động quậy phá do bệnh lý…
Dạy học trường chuyên biệt đòi hỏi người thầy không ngừng tự bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng cũng khá... chuyên biệt |
Trao ngọt ngào, nhận lại ngọt ngào
Gần 13 năm dạy học cho trẻ khiếm thính, cô giáo Hồ Thị Bích Thảo - Giáo viên Trường chuyên biệt Thanh Tâm - Đà Nẵng) tâm sự, chưa bao giờ cô có ý định xin chuyển trường, cho dù cường độ làm việc rất vất vả. Thảo kể, thời gian đầu mới vào nghề, kết thúc một ngày dạy, cô nói không ra hơi. Người nhà cứ thắc mắc, dạy trẻ điếc có phải nói gì đâu mà khan tiếng.
Thế nhưng, “muốn phát triển ngôn ngữ cho HS khiếm thính, GV buộc phải nói to. Có những ngày rất mệt, nhưng mình đều phải cố nói to, nếu chỉ cần nói vừa đủ để nghe như bình thường, thì HS không nghe được và cũng không chịu nói” - Cô giáo Thảo cho biết.
Tập được cho một HS khiếm thính ra hơi được, cô giáo hạnh phúc đến trào nước mắt. “Những lúc ấy, mình còn mừng vui hơn cả phụ huynh nữa. Trẻ khiếm thính thường phát hiện trễ, lúc khoảng 2 - 3 tuổi nên em nào nhanh thì phải tập từ 5 - 6 tháng mới ra hơi được. Cũng có những em phải mất hơn một năm, thậm chí 2 - 3 năm. Nếu HS không còn khả năng nghe, không thể ra hơi được, GV phải dạy cho các em ngôn ngữ múa dấu”.
Cô giáo Thảo kể, hạnh phúc đối với cô, có khi đơn giản chỉ là sau một năm học, HS có thể nói một câu ngắn 6 - 7 từ, hoặc phát triển từ “con cá” thành “con cá vàng”. “Mình đặt hết cả tâm tình vào công việc, thì sẽ nhận được thành quả tốt. Hơn ai hết, những HS khuyết tật của chúng tôi rất biết thương yêu, sẻ chia, quan tâm, chăm sóc người khác”.
Kể lại chuyện cho chúng tôi nghe, mà cô Thảo vẫn còn xúc động: “Chỉ cần nghe tiếng ho của cô giáo, các em chạy đi lấy dầu xoa, vuốt ngực cho cô; khi có bạn trong lớp bị nôn thì các em phân công nhau đứa đi gọi cô, đứa giặt khăn mặt lau cho bạn, lấy giấy vệ sinh thu dọn chỗ bạn nôn ra… Mình học được nhiều bài học yêu thương từ chính những HS của mình”.
Hà Nguyên