(GD&TĐ) - Một sự trùng lặp ngẫu nhiên: trong vòng một tuần lễ qua, chúng tôi liên tiếp nhận được đơn thư khiếu nại, kêu cứu của một số nhân viên Thư viện, Thiết bị, Kế toán ở trường Tiểu học, THCS xoay quanh những tâm sự và bức xúc về việc, đời sống của họ đang bị đe dọa bởi đồng lương quá nhỏ trước sự biến động liên tục của giá cả thị trường.
Ảnh mang tính minh họa/Internet |
Xin được trích dẫn một đoạn tiêu biểu: “ Là những người làm công tác phục vụ ngành Giáo dục đến nay cũng đã được 28, 29 năm trong nghề, không trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng có nhiều cống hiến thầm lặng, vậy mà nay nhìn lại dường như không được hưởng quyền lợi ưu đãi nào ngoài đồng lương khiêm tốn. Không đứng lớp thì không có chế độ 973 đã đành, nhưng đến phụ cấp thâm niên cũng không có, trong khi đóng góp nghĩa vụ thì cũng sòng phẳng như giáo viên. Lương nhân viên ít nhưng tháng nào cũng bị trừ đóng góp như giáo viên nên đồng lương càng trở nên “teo tóp” trước cơn bão giá…”.
Mặc dù vấn đề giá-lương-tiền hiện nay đang là vấn đề thời sự nóng bỏng nhưng đọc những dòng thư trên đây chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Người viết đang rơi vào tình cảnh quá khó khăn: hai vợ chồng đều là nhân viên trường học (người văn thư, người bảo vệ), đã có thâm niên trong ngành, nhưng tổng tiền lương của họ sau khi trừ một số khoản đóng góp chỉ còn 5 triệu/tháng (mỗi người 2.5 tr/tháng), mà phải nuôi 2 người con đang theo học đại học. Tìm hiểu thực tế ở nhiều trường trên địa bàn, mới thấy trường hợp nói trên không phải là hi hữu. Theo thông tin thu thập được từ các Sở, Phòng GD và các trường trên địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi, năm học 2010-2011 đã có tới gần 60% nhân viên hợp đồng xin nghỉ việc. Việc tuyển nhân viên bảo vệ, nhân viên văn thư ở các trường phổ thông hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, do những bất cập về lương và chế độ ưu đãi nói trên.
Đứng trước nguy cơ của lạm phát khi hơn một năm qua, giá điện, nước, xăng dầu, gas, các hàng hóa, dịch vụ đều tăng, thì vấn đề công chức không thể sống yên ổn bằng lương không còn là của riêng ngành giáo dục và đào tạo. Từ trước và sau Tết đến nay, các mặt hàng nhu yếu phẩm, nhất là thực phẩm, rau quả quá đắt đỏ, cứ như “té nước theo mưa”. Cứ cho là một nhân viên phải hạn chế chi tiêu đến mức …đi xe đạp hay đi bộ để đến công sở, trường học, không dùng bếp gas hay bếp điện, thì riêng việc phải tính toán, so đo từng mớ rau, con cá, hạt gạo cũng đủ chật vật…Tuy nhiên, ngành giáo dục và đào tạo so với nhiều ngành khác có khó khăn hơn, khi ngoài thu nhập bằng lương, họ rất khó tạo ra phúc lợi (thu nhập thêm) để cải thiện đời sống ngoài tiền lương, ngoại trừ một bộ phận giáo viên có nguồn thu nhập bằng dạy thêm hoặc “chân trong, chân ngoài”.
Làm gì để CBCC ngành giáo dục chỉ thu nhập bằng lương có thể chống chọi được với hoàn cảnh? Có thực mới vực được đạo, trong khi chờ đợi ở sự thay đổi về lương, ở sự điều chỉnh các chế độ phụ cấp, thâm niên cho công bằng và hợp lý, rất cần sự “ vững tay chèo lái” của những người được mệnh danh là “thủ lĩnh”. Nên chăng, các tổ chức công đoàn có thể tạo ra quỹ phúc lợi từ sự vận động tài trợ, quyên góp ở các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hay là tạo việc làm thêm chính đáng để tăng thu nhập cho nhân viên. Cũng rất nên bỏ việc trừ các khoản đóng góp cá nhân không tự nguyện, đang tồn tại khá phổ biến lâu nay ở các trường học mà chỉ nên vận động sự đóng góp từ những người có thu nhập cao hay là hoàn cảnh thuận lợi. Song song với đó là việc tạo ra niềm vui tinh thần để khắc phục khó khăn có thể coi chỉ là “tạm thời” trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định. Nhớ lại thời đất nước còn chiến tranh, các thầy cô giáo bữa đói, bữa no vẫn yên tâm “ngày hai buổi đến trường” với tâm niệm từ lời dạy của Bác: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt”. Đó phải chăng cũng chính là bài học cho hậu thế!
Hồng Thúy