Phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân: Xin đừng "nghĩ hộ" dân như thế!

Phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân: Xin đừng "nghĩ hộ" dân như thế!

(GD&TĐ) - Từng phát biểu sẽ tạm dừng việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân để cân nhắc nghiên cứu thêm do gặp quá nhiều phản ứng gay gắt của dư luận ngay từ khi mới đề xuất, liên tiếp 2 cuộc họp báo liền kề nhau từ đầu tuần đến giờ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng lại đăng đàn khẳng định chắc chắn là sẽ làm, làm quyết liệt, dù chưa xác định được thời điểm (khả năng chưa phải là ngay trong năm nay) và các mức phí đã nghiên cứu kỹ, không có gì là phi lý, dân sẽ… hạnh phúc nếu… được đóng. Cái công thức đưa ra là: Anh có xe mời anh đóng tiền >< tôi="" đóng="" tiền="" để="" tôi="" không="" được="" đi="" xe="" (của="" tôi)="">

Có thể người đứng đầu ngành giao thông, với nhãn quan của mình, cho rằng: “Trên cơ sở đánh giá từ đề án Bộ GTVT trình, tôi cho mức thu là hợp lý” (tại buổi họp báo tháng của Bộ GTVT chiều 3/4 tại Hà Nội) và: “Đa số người có ôtô sẽ ủng hộ việc này. Đúng là phí có thể chưa hoàn toàn khách quan và công bằng, nhưng những người có ô tô đóng góp cho đất nước cũng là hạnh phúc” và nữa: “Đóng góp phí giao thông cũng thể hiện sự yêu nước”. Không, thưa ngài Bộ trưởng, cá nhân tôi chưa có ôtô, Việt Nam hiện nay, gần 90 triệu dân mới có chừng 600.000 người đi ôtô (của mình); tôi dám nhận mình cũng là người yêu nước như gần 90 triệu dân Việt, nhưng tôi cũng dám chắc tôi sẽ không ủng hộ việc này kể cả khi tôi chưa có ý định mua xe; cũng như tôi dám chắc mình sẽ không hề thấy “hạnh phúc” khi “đóng góp cho đất nước” bằng hình thức phí rất lạ lùng đó.

Có nhiều cách thức để giảm ùn tắc giao thông hơn là sự tận thu như cách Bộ GTVT đang đề xuất. Ảnh: Thành Chung
Có nhiều cách thức để giảm ùn tắc giao thông hơn là sự tận thu như cách Bộ GTVT đang đề xuất. Ảnh: Thành Chung

Nhiều quan điểm cho rằng Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhầm lẫn về “lòng yêu nước” ở đây. Phạm trù này quá nhạy cảm, cá nhân người viết không tán thành việc nhiều bài viết đi quá sâu vào chi tiết này để phân tích thế nào là yêu nước. Thế nhưng, không thể không tán thành những phản ứng cho rằng đang có sự nhập nhằng ở đây. Lâu nay, chúng ta vẫn đưa ra nhiều lý do để khẳng định phải như thế này mới là thế nọ. Bây giờ, lại xuất hiện vấn đề: Phải đóng phí của Bộ GTVT (để Bộ có kinh phí sửa chữa những sai lầm có hệ thống hàng chục năm qua của mình về quy hoạch, quản lý kinh phí đầu tư phát triển đường bộ) thì mới là… yêu nước. Trong trường hợp này, người dân phản đối gay gắt như vậy, không phải vì muốn trốn tránh trách nhiệm công dân, mà là không đồng thuận trước đề xuất bất hợp lý của Bộ GTVT. Nhân dân đã đóng đủ thứ thuế, khi mua phương tiện cá nhân cũng đã đóng thuế, sắp tới lại sẽ có thêm cái phí mới (thực ra cũng là thuế) là Quỹ Bảo trì đường bộ (cũng do Bộ GTVT đề xuất, nhưng xem ra lại có lý hơn bởi đi đường thì phải đóng phí đường là đúng rồi). Người làm ra nhiều tiền cũng đóng thuế theo thu nhập cao của họ. Những người có ôtô, có thể không phải ai cũng thực sự giàu, nhưng riêng một cái ôtô mua về, họ đã đóng góp cho nhà nước một số tiền để đủ mua một cái ôtô tương tự nếu so sánh với giá (cộng các loại thuế) trong nước với nước ngoài. Đó cũng là những điều hợp lý bởi ai cũng hiểu với đường sá hiện nay, Nhà nước chưa thể khuyến khích phát triển ôtô cá nhân nên mới dùng chế tài hạn chế bằng các loại thuế và phí “khủng” như vậy. Ít ra người tiêu dùng cũng hiểu đó là sự đóng góp cho ngân sách nhà nước. Nhưng, chỉ là ở mức độ nào đó...

Phí lưu hành phương tiện cá nhân (thực tế là phí hạn chế phương tiện cá nhân) ngay từ khi được đề xuất đã gây phản ứng, một lẽ đơn giản không ai hiểu được rằng tại sao tôi phải đóng tiền để tôi không được dùng phương tiện của tôi nữa. Không một người dân nào được hỏi ý kiến, dù nếu có hiệu lực, loại phí này chắc chắn sẽ không chỉ tác động đến khoảng 600.000 người đang đi ôtô trong nước như Bộ trưởng Thăng đề cập. Nó sẽ là nỗi lo của xã hội về một tiền lệ đối với sự tuỳ tiện trong quản lý với các mức phí ngẫu hứng mà bộ ngành nào cũng có thể nhân danh nhà nước và nhân danh sự phục vụ nhân dân để ban hành, trong khi không hề có nghiên cứu khoa học. Nó là nỗi lo cho cả ngành công nghiệp ôtô dù “quặt quẹo” nhưng mỗi năm cũng đóng góp được cho nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng thông qua thuế. Nó là nỗi lo cho những người đang có nhu cầu mua xe để phục vụ công việc cũng như cuộc sống. Nó là nỗi lo cho mục tiêu Đảng và Nhà nước đã đề ra phấn đấu đến năm 2020 đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại...

Ngay cả những nghiên cứu hết sức nghiêm túc được công bố, nhưng dân không đồng thuận, liệu có nên làm? Chưa xa lắm là việc đổi giờ học giờ làm tại Hà Nội. Thành công chỉ ở mức độ nào đó, nhưng thất bại lại khá nhiều mà cơ quan chủ quản không đủ dũng cảm để thừa nhận. Đó là tình trạng tắc đường giờ cao điểm vẫn tồn tại ở phần lớn các “điểm đen”, chưa kể lại phát sinh một số điểm ùn tắc mới (theo thông báo của cơ quan cảnh sát giao thông thành phố gần đây) do sự đổi giờ; rồi sự thiếu khoa học trong việc điều chỉnh giờ học của HS THPT đến 19h, cuối cùng phải đổi lại. Ai chịu trách nhiệm về những việc đó hay cứ sai đến đâu sửa đến đó và người dân thì bị coi như vật thí nghiệm? Nói nốt về vấn đề đổi giờ học giờ làm, tình trạng phổ biến hiện nay là HS cấp tiểu học 16h30 đã hết chương trình, nhưng vẫn phải nán lại lớp đợi đến 17h mới được ra về, chỉ vì những tính toán sai của người lớn. 

Tận thu hay không tận thu? Có hay không việc “phí chồng lên phí”? Đó lại là một vấn đề “nóng” khác cũng liên quan đến Bộ GTVT. Chưa xong vấn đề “nóng” về phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân, Bộ GTVT lại đã gấp rút hoàn thành xong dự thảo Quỹ Bảo trì đường bộ. Cái mấu chốt nhất, có vẻ được Bộ GTVT quan tâm nhất vẫn là vấn đề tiền. Theo tính toán của Bộ này, dự kiến trong năm đầu Quỹ Bảo trì đi vào hoạt động, số tiền thu được từ ôtô đạt hơn 6.800 tỷ đồng/ năm và 2.400 tỷ đồng từ 50% số mô tô, xe máy đã đăng ký. Ngoài ra chúng tôi còn biết để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho bảo trì đường bộ, hàng năm ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho Quỹ hơn 3.200 tỷ đồng. Như vậy, ngân sách cho bảo trì và phát triển hệ thống đường bộ đâu có thiếu. Cái thiếu là khả năng quản lý của các cơ quan chủ quản mà thôi.

Quyết thu thì dễ. Nhưng vẫn quyết khi mà lòng dân không đồng thuận thì cái mất sẽ khá nhiều, vài ngàn tỷ đồng thu được mỗi năm từ phí chắc chắn sẽ không bù đắp nổi.

Nhất Nguyên 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ