Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên: Tưởng vậy mà chưa hẳn vậy

GD&TĐ - Hôm nay, ngày 5/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên đường tới Triều Tiên, với sứ mệnh được Nhà Trắng công bố (và Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận) là thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, hiện thực hóa những cam kết trong tuyên bố chung đã đạt được giữa Washington và Bình Nhưỡng tại Singapore hồi đầu tháng 6 vừa qua.  

Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên: Tưởng vậy mà chưa hẳn vậy

Sứ mệnh của ông Mike Pompeo

Chuyến trở lại Bình Nhưỡng của ông Mike Pompeo diễn ra đúng vào thời điểm mà tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên ngày càng bị đặt dấu hỏi; đặc biệt có thông tin cho rằng dường như Bình Nhưỡng đang bí mật tăng cường hoạt động làm giàu uranium - một khâu quan trọng trong việc gia tăng năng lực hạt nhân.

Sau cuộc hội đàm lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, dường như những tín hiệu tích cực chỉ nằm ở tuyên bố chung giữa hai bên. Có chăng là động thái Triều Tiên mời các nhà báo quốc tế đến quan sát vụ phá hủy bãi thử hạt nhân, vốn bị coi là đã hết giá trị sử dụng và trước sau gì cũng bị loại bỏ.

Đáp lại, Nhà Trắng cũng yêu cầu ngưng các cuộc tập trận thường niên giữa liên quân Mỹ - Hàn, vừa để tránh kích động Bình Nhưỡng, vừa để tỏ ra thiện chí trong việc tuân thủ các thỏa thuận đạt được giữa hai nhà lãnh đạo.

Thực tế, kết quả đàm phán giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un tại Singapore chỉ mới là hứa hẹn chứ chưa có bất cứ cam kết nào được đưa ra, về tiến trình giải trừ năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

Chuyến công du Bình Nhưỡng lần này của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là nhằm xúc tiến một cam kết thực sự, với những lộ trình rõ ràng, từ đó có thể tiến tới một ký kết hòa bình chính thức giữa hai miền Nam - Bắc trên bán đảo này. Đó là điều không chỉ riêng Hàn Quốc mong chờ, mà chắc chắn cả khu vực Đông Á, hay nói rộng ra là cả thế giới nữa.

Làm được điều đó, chắc chắn ông Donald Trump sẽ để lại dấu ấn rất sâu đậm trong nhiệm kỳ của mình, khiến người ta sẽ nhắc tới mãi, bất kể việc ông đã gây ra biết bao nhiêu bê bối cho chính trường nước Mỹ cũng như mâu thuẫn quốc tế chỉ trong hơn một năm rưỡi cầm quyền vừa qua. Hiện thực hóa nhiệm vụ này đang được giao cho Mike Pompeo, để đưa ra những cam kết cụ thể và có tính khả thi. Tuy nhiên, đó là một sứ mệnh không hề dễ dàng gì đối với cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).

Khi nhà tài phiệt toan tính

Ngay khi rời Singapore sau cuộc hội đàm lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Donald Trump đã tuyên bố chắc nịch với báo giới đi cùng trên chiếc chuyên cơ Không lực Một rằng tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là không thể đảo ngược; rằng một nền hòa bình lâu dài sẽ sớm được thiết lập trên bán đảo này. Thời gian gần đây, khi dư luận quốc tế, đặc biệt là dư luận Mỹ, bắt đầu đặt câu hỏi về thiện chí thực sự của Bình Nhưỡng, ông John Bolton, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, đã trấn an truyền thông Mỹ rằng tiến trình này sẽ diễn ra trong vòng chừng một năm là cùng.

Có thể nói đó là một sự tự tin rất đáng ghi nhận từ Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, nhưng dường như nó được lấy cảm hứng từ các tuyên bố của ông Trump thì đúng hơn. Bởi một lẽ, khi chưa có cam kết thực sự thì chưa có lộ trình thực hiện, vậy ông John Bolton lấy đâu là cái mốc thời gian “sẽ xong trong vòng một năm” như vậy? Trong khi đó, ai cũng hiểu Bình Nhưỡng vốn dĩ khó lường và hay thay đổi quan điểm đến thế nào.

Là một nhà đàm phán thượng thừa với bao nhiêu năm kinh nghiệm lọc lõi trên thương trường khi còn là một nhà tài phiệt, ông Trump chắc chắn không ngây thơ và ảo tưởng đến thế. Bởi vậy, sau vài tuần lắng lại, chính ông cũng để ngỏ về tính khả thi của các kết quả đàm phán.

Cụ thể trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ mới đây, ông chủ Nhà Trắng đã thừa nhận hoàn toàn có khả năng tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên bị bỏ ngỏ. Cách lý giải của ông thể hiện rõ quan điểm một thương nhân: Có thể sẽ có sự hứa hẹn. Anh và tôi bắt tay nhau, nhiều người chứng kiến; chúng ta gật đầu cười vui vẻ, nhưng anh có thực hiện lời hứa hay không lại là chuyện khác, với nhiều yếu tố khác tác động sau đó.

Ai cũng hiểu rằng, ông Trump đang ám chỉ ông Kim Jong-un. Với sứ mệnh của mình, ông Trump đã làm xong việc khởi động tiến trình hòa bình, kèm theo đó là lệnh dừng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Đó là thiện chí đáng ghi nhận và rất công khai. Sứ mệnh còn lại thuộc về ông Kim. Nếu không thực sự thiện chí, ông sẽ bị dư luận quốc tế coi là lật lọng và không đáng tin cậy, như thế Triều Tiên càng bị cô lập thêm và hoàn toàn là cái cớ để Mỹ phát động chiến tranh nếu Bình Nhưỡng có động thái nào đó về quân sự với Hàn Quốc trong tương lai.

Sau đàm phán thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhiều người chỉ trích cho rằng ông Trump đã “cho” nhiều hơn “nhận”; còn phía hưởng lợi là cá nhân ông Kim (sau mới đến đất nước Triều Tiên). Tuy nhiên, với tư duy và nhãn quan của một nhà tài phiệt, một trong những bậc thầy về nghệ thuật đàm phán, chưa chắc ông Trump đã chấp nhận “cho” mà không “nhận” được gì.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ