Phê bình nhà hàng ở Mỹ, cô gái bị bắn súng dằn mặt

Bực tức vì tiệm ăn của gia đình bị đánh giá xấu trên Facebook, cậu con truy tìm nhà của người đăng tin để trả thù.

Phê bình nhà hàng ở Mỹ, cô gái bị bắn súng dằn mặt

Click Orlando đưa tin ngày 19/8, Monica Walley đăng bài trên Facebook cáo buộc nhà hàng Daybreak Diner tại bang Orlando (Mỹ) đã từ chối phục vụ người mẹ khuyết tật của mình với lý do bà cần có người chăm sóc đi cùng mới được gọi đồ ăn. Cô thậm chí còn thực hiện chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội để phản đối hành vi của nhà hàng.

Báo cáo của cảnh sát ghi nhận chiến dịch truyền thông trên đã khiến nhiều người viết bài đánh giá tiêu cực với nhà hàng Daybreak Diner. Chủ nhà hàng là Lizabeth Johnson phải tiếp nhận nhiều cuộc gọi quấy rối từ nhiều người. Lizabeth Johnson cho rằng việc kinh doanh sẽ lụi bại chỉ vì Monica Walley.

Norman Auvil là người trực tiếp xả súng.

Norman Auvil trực tiếp xả súng.

Ngày 20/8, bực bội trước hành động của nữ khách hàng, con trai chủ nhà hàng là Micheal Johnson cùng với hai người bạn cùng phòng là Jesse Martin và Norman Auvil đã tìm kiếm qua mạng và biết được địa chỉ nhà riêng của Monica Walley tại hạt Orange, bang Orlando. Ba người cùng nhau lái xe tới.

Cảnh sát cho biết Micheal Johnson phụ trách lái xe, Jesse Martin chỉ đường từ ghế sau, còn Norman Auvil ngồi ở ghế trước. Micheal Johnson và Jesse Martin cùng có ý định đánh đập Monica Walley hoặc rạch lốp xe để dằn mặt.

Trái với dự tính ban đầu này, một cuộc xả súng đã xảy ra. Norman Auvil bị cáo buộc đã bắn ba phát súng vào trong nhà. Một viên đạn suýt trúng bố của Monica Walley là Kenneth Walley đang ngồi trên ghế. May mắn, không ai bị trúng đạn sau ba phát súng.

Monica Walley chỉ cho phóng viên vị trí viên đạn.

Monica Walley chỉ cho phóng viên vị trí viên đạn.

“Tôi cảm giác được luồng khí khi viên đạn bay qua. Viên đạn chỉ cách tôi khoảng 10 cm”, Kenneth Walley cho hay khi được phỏng vấn.

Ngày 29/8/2018, Norman Auvil bị cảnh sát bắt. Anh ta bị khởi tố vì hành vi xả súng vào nhà ở, xả súng từ phương tiện ôtô và xâm hại đối với người cao tuổi. Số tiền bảo lãnh tại ngoại là 4.300 USD.

Cảnh sát sau đó lần lượt bắt và khởi tố Micheal Johnson và Jesse Martin với cáo buộc tương tự. Họ bị cáo buộc đã không cố gắng ngăn chặn hành động của Norman Auvil, thậm chí còn giúp tiêu hủy vật chứng.

Ngày 12/9 Micheal Johnson và Jesse Martin trả tiền bảo lãnh để được tại ngoại với điều kiện không được liên lạc với nhau và không được đi khỏi nơi cư trú. Norman Auvil vẫn ở trong trại giam hạt Orange. Vụ án vẫn đang chờ xét xử.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ