Dự Hội nghị có GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo các trường ĐH Sư phạm, có khoa sư phạm cùng hơn 400 SV sư phạm trong cả nước.
Các báo cáo khoa học có chất lượng cao
Gần 303 báo cáo khoa học của hơn 700 SV và 14 báo cáo tham luận của CB, GV từ 30 trường ĐH, CĐ gửi đến tham dự Hội nghị thuộc các lĩnh vực: KH Tự nhiên - Công nghệ - Kỹ thuật, Khoa học Giáo dục, Khoa học xã hội và nhân văn.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học và trách nhiệm cao, BTC Hội thảo đã mời các nhà khoa học và giảng viên có năng lực và uy tín khoa học cao đọc thẩm định, chọn lọc và biên tập để đưa vào kỉ yếu 246 báo cáo.
Điểm đặc biệt của Hội thảo lần này là bên cạnh những bài nghiên cứu của SV các trường ĐH -CĐ Sư phạm, hoặc trường ĐH có khoa Sư phạm, còn có nhiều báo cáo của SV các trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật và các trường ĐH ngoài Sư phạm gửi đến tham dự.
Để Hội thảo có kết quả tốt hơn nữa, các nhà quản lí trường, khoa thuộc các trường đại học, cao đẳng, các nhà khoa học, các GV và nhất là các “nhà khoa học SV” đã dành nhiều thời gian cho phần thảo luận tại phiên toàn thể và tại các tiểu ban trong ngày 18/10.
11 báo cáo thuộc nhóm các bài tham luận về hoạt động NCKH sinh viên là những bài viết của cán bộ, giảng viên, đa số là đại diện cho các trường, khoa Sư phạm, như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP TP Hồ Chí Minh, ĐHSP - ĐH Đà Nẵng, ĐHSP - ĐH Huế, ĐHSP – ĐH Thái Nguyên…
Đáng chú ý, các bài viết này đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém về NCKH của SV khoa, trường mình phần lớn do sự thiếu quan tâm của lãnh đạo và nhất là thiếu sự đầu tư giúp đỡ của giảng viên.
66 báo cáo thuộc nhóm Khoa học Giáo dục nghiên cứu, nhiều mảng thuộc Khoa học Giáo dục: Bàn về chương trình, SGK, việc sử dụng công cụ, phương tiện, tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá, việc sử dụng cụ thể một phần mềm, một PP cụ thể để thiết kế một bài giảng...
Nhóm Khoa học xã hội và nhân văn gồm 65 báo cáo được SV các trường ĐH-CĐ nhất, với đa dạng các lĩnh vực: Văn học, Lịch sử, Địa lý, Chính trị - xã hội, Tâm lý…
Nhóm Khoa học tự nhiên gồm 84 báo cáo là bước đầu làm quen để SV đi sâu hơn trong tương lai, trong đó, có những báo cáo mang tính chuyên sâu, tập trung vào các hướng nghiên cứu lý thuyết mới, hoặc có tính ứng dụng cao vào thực tiễn đời sống…
Nhóm Khoa học kĩ thuật - công nghệ gồm 21 báo cáo. Đây là lĩnh vực ứng dụng những lí thuyết khoa học để nghiên cứu chế tạo những sản phẩm cụ thể phục vụ cho sản xuất và đời sống xã hội. Nổi bật các bài viết về lĩnh vực này là những thiết kế, chế tạo các loại máy móc cho sản xuất công nghiệp, xây dựng các bộ thí nghiệm dạy học các bộ môn khoa học tự nhiên ở trường phổ thông, nghiên cứu nhân giống các loại cây trồng theo công nghệ in vitro…
Sản phẩm khoa học có ý nghĩa học thuật và thực tiễn
Theo PGS.TS Lưu Trang - Phó Ban tổ chức Hội nghị, để NCKH trong SV có hiệu quả là một nhiệm vụ khó khăn và nặng nề, rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía.
Với sinh viên, NCKH lại càng khó khăn, vất vả hơn vì đây là việc hoàn toàn mới mẻ, được thực hiện trong điều kiện thời gian eo hẹp và cùng lúc với nhiệm vụ học tập; để đạt được kết quả đòi hỏi người nghiên cứu phải có quá trình chịu khó, nỗ lực tìm tòi và học hỏi.
Đáng mừng là tại Hội thảo lần này, các lĩnh vực nghiên cứu của SV rất đa dạng, phong phú, từ nghiên cứu cơ bản, đến nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai.
Báo cáo tại phiên toàn thể của Hội nghị, ThS Nguyễn Việt Dũng -Trường ĐHSP Huế - nhận định: “Qua NCKH, SV rèn luyện và phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu và vận dụng tri thức đã học vào thực tế, từ đó nắm vững tri thức chuyên ngành trong chương trình đào tạo, hình thành khả năng làm việc độc lập, tự giác, chủ động, sáng tạo - Những điều kiện cần thết cho nghề nghiệp tương lai”.
TS Nguyễn Văn Hoàng - Trường ĐHSP (ĐH Thái Nguyên) - khẳng định: “Nhờ có NCKH mà mỗi trường có một sắc thái riêng, không theo khuôn mẫu nào, ở đó thể hiện sức sống của tất cả mọi người trong công cuộc đào tạo, tạo ra những con người trong tương lai".
Từ đánh giá đúng tầm quan trọng của tổ chức hoạt động NCKH trong SV mà 5 năm trở lại đây, phong trào SV NCKH của Trường ĐHSP Huế, ĐHSP Thái Nguyên và nhiều trường khác trong cả nước khởi sắc rõ nét.
Nguyễn Thị Đài Trang - SV Khoa Sinh Khóa 11 (Trường ĐHSP Đà Nẵng) - bày tỏ: “Nghiên cứu hoa học tạo điều kiện cho chúng em được tiếp cận với các lĩnh vực chuyên môn, các nguồn tri thức, được rèn luyện tư duy logic, tư duy khoa học, được tiếp cận thực tế; từ đó mà nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, khách quan hơn”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga biểu dương tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các trường ĐH cũng như nỗ lực của Trường ĐHSP (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức chu đáo và làm nên thành công của hội nghị.
Mục tiêu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chuyển từ việc cung cấp kiến thức là chính sang hướng dẫn SV phát huy năng lực, phẩm chất, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “SV phải được hoạt động trong môi trường nghiên cứu để phát triển tư duy, tập dượt phương pháp sáng tạo để biến những kiến thức đã học thành công cụ phục vụ cho môi trường nghề nghệp sau này.
Vì vậy trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, các trường cần đặc biệt quan tâm, đầu tư cho hoạt động NCKH của SV và tạo mọi điều kiện thuận lợi để SV tham gia NCKH, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất trong hoạt động đào tạo và NCKH của các trường ĐH, góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền GD nước nhà”.