Phát triển nguồn nhân lực giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Việt Nam

GD&TĐ - Ngày 17/6, tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Việt Nam”. Đây là hội thảo quốc tế được tổ chức lần thứ ba trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường ĐH Wakayama (Nhật Bản) và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với sự hỗ trợ của UNICEF.

Phát triển nguồn nhân lực giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Việt Nam

Hội thảo là diễn đàn hội tụ các nhà khoa học hàng đầu thuộc lĩnh vực giáo dục đặc biệt/giáo dục hòa nhập từ các viện, trường ĐH của Nhật Bản, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế và các cán bộ quản lý, các chuyên gia thuộc các Vụ chức năng (Bộ GD&ĐT), các Sở GD&ĐT, các viện nghiên cứu, các trường ĐH, CĐ sư phạm, các trung tâm và cơ sở giáo dục, các hội người khuyết tật trong cả nước…

Không chỉ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, các báo cáo, tham luận trong các phiên thảo luận chung và thảo luận nhóm đã đưa ra những giải pháp, đề xuất hữu ích để Bộ GD&ĐT xây dựng những định hướng về chính sách thúc đẩy, hỗ trợ giáo dục hòa nhập, công tác chỉ đạo, thực hiện đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực phát triển giáo dục hòa nhập… nhằm đạt được các mục tiêu giáo dục trẻ khuyết tật trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, tăng số lượng trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục có chất lượng, thân thiện và bình đẳng.

Sau 20 năm thực hiện giáo dục hòa nhập, chúng ta đã đạt kết quả đáng kể về phát triển nguồn nhân lực trong giáo dục hòa nhập cả về số lượng, quy mô và chất lượng với hơn 3.000 giáo viên được đào tạo có trình độ cử nhân, chính quy, gần 2.000 giáo viên có văn bằng 2, hàng chục ngàn cán bộ quản lý và giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục đặc biệt.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng cán bộ, giáo viên được đào tạo bồi dưỡng đang rất thiếu hụt, chưa thể đáp ứng, hỗ trợ nhu cầu đa dạng của trẻ em khuyết tật trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt và các trường phổ thông… Thực trạng số lượng trẻ khuyết tật được đi học chưa nhiều, chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, chương trình đào tạo giáo viên có chuyên môn về lĩnh vực giáo dục đặt biệt ở các trường sư phạm còn nhiều bất cập. Sự hợp tác giữa các ban, ngành, sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức của người khuyết tật chưa chặt chẽ…

Để giải quyết được những thách thức này, nhiều ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục hòa nhập phải được đặt lên hàng đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ