Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã mời các chuyên gia quốc tế đến thuyết trình những kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đề xuất những giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề và đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn Hà Nội.
Xây dựng chuẩn đào tạo
Các chuyên gia đến từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore… đều thống nhất cho rằng, nhân lực là yếu tố cốt lõi của mỗi thành phố, mỗi quốc gia. Hà Nội cần phải thay đổi, cập nhật công cuộc đổi mới giáo dục, dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực gắn với tình hình mới và có tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, Hà Nội cần tìm kiếm, chọn lọc các chương trình đào tạo ngắn hạn, trung hạn theo từng cấp độ và chuẩn hóa nội dung, chương trình theo chuẩn quốc tế; đồng thời, dự báo được nhu cầu của xã hội đối với nguồn nhân lực của thành phố trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.
Giải pháp căn bản được các chuyên gia đưa ra là Hà Nội cần xây dựng chuẩn cán bộ quản lý giáo dục, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực, trong đó khai thác các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài cho đội ngũ quản lý cốt cán. Ngành GD-ĐT Thủ đô cần đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học sinh hứng thú với việc học ngoại ngữ, dễ dàng tiếp nhận các kiến thức thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ.
Học sinh cần được tiếp cận tiếng Anh nhiều hơn để phục vụ công việc trong tương lai. Muốn vậy, Hà Nội cần phải chuẩn hóa, hiện đại hóa chương trình đào tạo, quy hoạch lại toàn bộ hệ thống; bên cạnh đó, phải đẩy mạnh ứng dụng tin học, xây dựng các cơ sở vật chất tốt hơn để học sinh có hứng thú khi đến trường... Một giải pháp rất quan trọng cũng được chuyên gia này nhấn mạnh, đó là ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông, làm phong phú cách dạy học, truyền hình dạy học, sử dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại để đánh giá phân tích… tạo cảm hứng cho học sinh, kể từ cấp tiểu học.
Trình độ phù hợp thị trường và đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động
Đây là hai vấn đề được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đặc biệt lưu ý với các trường cao đẳng, dạy nghề của Hà Nội. Hiện nay, một số trường cao đẳng, dạy nghề có tham khảo các chương trình dạy nghề của Australia, Nhật Bản, Đức... song, muốn dạy nghề thành công để các học sinh có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì đòi hỏi tối thiểu hai tiêu chuẩn: Trình độ phù hợp thị trường và đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động.
Các cơ sở, đào tạo nghề, dạy nghề cần tính toán, không đơn thuần dạy không, mà có thể phát huy, tận dụng quỹ nghiên cứu, đào tạo của các trung tâm, hãng máy trên thế giới. Về nghiên cứu ứng dụng đào tạo, các trường cần tiếp cận thẳng vấn đề mới nhất của thế giới.
Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy và phương thức đào tạo nghề, theo hướng loại bỏ tư duy “bao cấp”, trông chờ vào ngân sách Nhà nước trong đào tạo nghề; chủ động, xây dựng phương thức đào tạo mới, theo hướng gắn kết hợp tác với doanh nghiệp; đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội.
Tới đây, thành phố sẽ kết nối để các trường đến thăm trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của một số nước, từ đó sẽ có phương án vận dụng hiệu quả vào đơn vị mình.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu lãnh đạo các trường đề xuất đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực đào tạo cần thiết thực, quá trình đầu tư từng bước theo yêu cầu thị trường, tiến tới kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để họ đăng ký đào tạo; hạn chế từng bước tự đào tạo, công nhân tự tìm việc sau khi ra trường.