Phát triển năng lượng sạch: Rào cản từ vốn đến nhân lực

GD&TĐ - Theo dự báo, nhu cầu điện ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao. Trong khi đó theo Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt thì tốc độ tăng trưởng trong các giai đoạn 2016 - 2020; 2021 - 2025; 2025 - 2030 tương ứng với 10,6; 8,5 và 7,5%. Thị trường điện cạnh tranh và năng lượng tái tạo tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn trước mong muốn phát triển.

Còn thiếu hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình điện gió, điện mặt trời
Còn thiếu hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình điện gió, điện mặt trời

Phụ thuộc rất lớn nguồn nhiên liệu đầu vào

Bộ Công Thương trong thông tin tại hội thảo về năng lượng (diễn ra đầu tháng 8, tại Hà Nội) cho biết, việc xây dựng, phát triển và hoàn thiện thị truờng điện cạnh tranh là phù hợp với chiến lược phát triển ngành điện. Tuy nhiên, thị trường điện phát sinh một số vấn đề khó khăn. Phần lớn khó khăn liên quan đến các điều kiện đặc thù của hệ thống điện và cơ cấu ngành điện Việt Nam. Trong đó, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống điện- thị trường điện còn nhiều hạn chế (như hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm...), do đó có một số ảnh hưởng nhất định đến công tác vận hành thị trường.

Thêm vào đó, các nhà máy thủy điện chiếm tỷ lệ lớn, trong khi các yếu tố đầu vào thủy văn thường bất định, khó dự báo, khiến công tác lập kế hoạch vận hành thị truờng điện hàng năm, hàng tháng ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp.

Việc nghẽn mạch đuờng dây truyền tải 500kV trong các chu kỳ cao điểm cũng tác động lớn đến kết quả vận hành thị trường điện. Ngay cả trong mùa mưa, dù công suất sẵn sàng của các nhà máy thủy điện miền Bắc tương đối cao, song không thể truyền tải hết vào miền Nam.

Cùng với các vấn đề nội tại của ngành điện, thị trường điện cạnh tranh cũng đáng đối diện thách thức lớn từ các nhân tố bên ngoài, nhân tố đặc biệt quan trọng là vấn đề cung ứng nhiên liệu sơ cấp (than, khí) cho phát điện.

Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của thị trường điện lực, an ninh cung cấp điện trung và dài hạn phụ thuộc rất lớn vào việc sử dụng, phân bổ tối ưu dài hạn các nguồn nhiên liệu đầu vào (than, khí), tận dụng đuợc tối đa nguồn lực trong nước để phát triển. Về lâu dài, hướng tới đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong các chính sách quy hoạch phát triển, quản lý giám sát, sử dụng tối ưu các nguồn năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia nói chung và cho vận hành thị trường điện lực nói riêng.

Khó khăn trong cung cấp nguồn vốn đối với các dự án năng lượng tái tạo

Khó khăn trong cung cấp nguồn vốn đối với các dự án năng lượng tái tạo

Chưa có cơ sở đào tạo chuyên sâu về năng lượng tái tạo

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu: Đạt tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT (không bao gồm nguồn thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng) khoảng 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030. Điện gió hiện đang ở mức180 MW, mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt là 800MW, đến năm 2025 là 2.000MW và đến năm 2030 là 6.000MW. Còn đối với năng lượng mặt trời, đến năm 2020 công suất lắp đặt kỳ vọng đạt khoảng 850MW, đến năm 2025 đạt 4.000MW, đến năm 2030 kỳ vọng đạt 12.000MW.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chỉ ra có nhiều rào cản trong phát triển NLTT . Trong đó có vấn đề hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình NLTT, nhất là các công trình điện gió, điện mặt trời còn thiếu. Thiếu các tiêu chuẩn kết nối thống nhất. Trách nhiệm của các bên chưa được xác định rõ ràng. Yêu cầu cấp phép hoạt động điện lực nghiêm ngặt cũng có thể đặt ra một rào cản.

Cũng theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, NLTT sẽ không thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với nguồn điện thông thường cho đến khi có các chính sách mới được áp dụng để đưa vào các chi phí của các nguồn nhiên liệu hóa thạch theo cơ chế thị trường.

Ở khía cạnh đầu tư, hiện chưa có nhiều dự án NLTT được triển khai, nhiều nhà đầu tư phát triển dự án NLTT chưa thật hiểu rõ về lợi ích và các rủi ro liên quan. Các dự án ở lĩnh vực này cũng khó huy động vốn. Trong khi nhà đầu tư tại các địa phương bị hạn chế về nguồn lực, thì chính khó về vốn do NLTT là lĩnh vực đầu tư mới, chưa quen thuộc với nhiều nhà đầu tư; có nhiều rủi ro trong việc bảo đảm thu được lợi nhuận chắc chắn. Các nhà đầu tư dự án NLTT thường làm việc với các ngân hàng và các tổ chức tài chính để vay vốn. Trong khi các tổ chức tín dụng chưa thật sự quan tâm vì NLTT có nhiều rủi ro.

Trong khi các dự án NLTT và chủ đầu tư nói chung là nhỏ, chưa có kinh nghiệm. Các dự án nhỏ có chi phí giao dịch cao trong nhiều giai đoạn của quá trình phát triển. Các nhà đầu tư NLTT có thể có khó khăn để có được nguồn tài chính với lãi suất thấp.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng chỉ ra một cản trở lớn trong phát triển NLTT, đó là các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa có ngành học chuyên sâu về lĩnh vực NLTT. Giảng viên cho lĩnh vực này còn thiếu, chương trình học còn hạn chế… Điều đó đã tạo nên một lỗ hổng lớn về nhân sự cho lĩnh vực công nghệ NLTT. Nguồn nhân lực hiện đều yếu và thiếu trong tất cả các lĩnh vực liên quan (Cơ quan quản lý Nhà nước (Trung ương và địa phương); Nhà đầu tư; Đơn vị tư vấn để thực hiện các khâu: FS, Thiết kế; Đơn vị thi công (xây dựng, lắp đặt); Quản lý vận hành.

Góc nhìn về vốn

VietinBank cho biết, ngân hàng này luôn dành nguồn vốn lớn, tương ứng 60.000 tỷ đồng tài trợ cho các dự án của Ngành Điện nói chung và Tập đoàn Điện lực nói riêng.

Nhưng cũng theo ngân hàng này, năng lượng tái tạo chỉ mới được phát triển ở Việt Nam, các dự án về năng lượng tái tạo - đặc biệt là điện năng lượng mặt trời còn chưa nhiều và tốc độ phát triển còn chậm, trong quá trình cung cấp nguồn vốn đối với lĩnh vực mới mẻ này, do đó VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại khác gặp không ít trở ngại, khó khăn.

Chẳng hạn, Chính phủ đã đưa ra cơ chế mua điện trực tiếp từ các nhà máy năng lượng tái tạo- trong đó đối với năng lượng gió, cơ chế ban hành từ năm 2011 và có giá là 7,8cent/kWh. Đối với điện mặt trời, theo cơ chế mới ban hành tháng 4/2017 thì có mức giá là 9,35cent/kWh. Giá điện gió chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, việc tính toán phương án tài chính chưa mang lại hiệu quả cao. Thực tế này dẫn tới các dự án điện gió mặc dù đã đi vào vận hành, nhưng vẫn lỗ.

Bên cạnh đó, VietinBank cũng nêu ra rào cản do các yếu tố kĩ thuật, đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo chưa được chuẩn hóa. Mặc dù tiếp cận nhiều dự án, nhưng các ngân hàng vẫn đang phải tự đào tạo đội ngũ cán bộ thẩm định, tự tìm hiểu về các thông số kĩ thuật đặc thù.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ