Phát triển năng lực người học: Giáo viên phải dạy học tích cực

GD&TĐ - Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thành công nhất thiết phải đổi mới tích cực phương pháp dạy học (PPDH) theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Đổi mới GD đòi hỏi nhà trường, GV làm tốt phát triển năng lực người học. Ảnh: Thanh Long
Đổi mới GD đòi hỏi nhà trường, GV làm tốt phát triển năng lực người học. Ảnh: Thanh Long

Tuy nhiên, để tiến đến thành công đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của đội ngũ nhà giáo trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, ý thức chủ động với giảng dạy và học trò.

Hiệu quả nhìn từ thực tế

Những tác động tích cực của hoạt động giáo dục phát triển năng lực học sinh đã mang lại hiệu quả giáo dục không chỉ với cả học sinh mà còn tác động tích cực tới đội ngũ giáo viên - Đó là những ghi nhận của Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Cụ thể, dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh đã tạo ra những giờ học bổ ích và lý thú, cuốn hút học sinh hơn vào các hoạt động để tìm tòi, khám phá kiến thức. Qua đó, các năng lực (giải quyết vấn đề, tự học và hợp tác, phát huy khả năng sáng tạo, linh hoạt khi áp dụng thực tiễn…) học sinh của trường được khai thác và phát huy, hình thành các phẩm chất tốt đẹp.

Việc đổi mới PPDH giúp GV thực sự đóng vai trò là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động học tập. Từ đó đòi hỏi GV phải có động lực đổi mới, nhiệt tình tâm huyết với nghề, tích cực học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy, thành thạo ứng dụng CNTT. GV phải dành nhiều thời gian cho soạn bài, chuẩn bị giáo án trước khi lên lớp. Biết động viên khích lệ HS, linh hoạt trong xử lý tình huống. Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, rút kinh nghiệm qua từng giờ giảng, điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng HS để mang lại hiệu quả cao trong từng bài giảng.

Chia sẻ từ BGH Trường THPT Olympia (Hà Nội): Trường đã phát triển chương trình giáo dục nhà trường theo định hướng “Phát triển phẩm chất và năng lực học sinh”. Thông qua phương pháp giáo dục tích cực, lấy người học làm trung tâm, những chương trình học thực sự hiệu quả, phù hợp và tôn trọng năng lực cá nhân, bồi dưỡng kĩ năng tổng hợp mang lại cho HS những giá trị phát triển toàn diện, giúp HS không chỉ sẵn sàng cho những cấp học sau này mà còn trở thành những công dân toàn cầu của thế kỷ 21.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Từ trở ngại đến thành công

Hiệu quả từ giáo dục phát triển năng lực HS là điều đã được ghi nhận và kiểm nghiệm qua thực tế. Tuy nhiên tới nay, không phải trường nào cũng thực hiện được và thực hiện thành công. Nguyên nhân chung được các nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục chỉ ra bởi số đông nhà giáo còn mắc bệnh nghề nghiệp như chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào tri thức có sẵn trong sách giáo khoa, không gắn với thực tiễn đời sống, luôn cho mình là đúng, khó chịu với những thắc mắc của HS...

Để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực người học trong quá trình giáo dục đòi hỏi đội ngũ GV sự nỗ lực thay đổi về phương pháp giảng dạy. Và như vậy đòi hỏi GV phải được huấn luyên kĩ hơn về đổi mới phương pháp như dạy nêu vấn đề, dạy theo nhóm, theo dự án... GV phải tiếp thu cách dạy theo cảm nhận, theo trải nghiệm sáng tạo của phương pháp dạy giá trị sống, kĩ năng sống. Giờ dạy các bộ môn không thể là giờ đọc chép hay nhìn chép, nó phải thiết thực, sôi động như chính cuộc sống, đó là những giờ dạy thật sự mở.

Việc kết hợp đa dạng các PPDH cũng cần được GV hết sức chú trọng bởi không có một PPDH toàn năng phù hợp với mọi mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện dạy học. Mỗi phương pháp và hình thức dạy học có những ưu nhược điểm và giới hạn sử dụng riêng. Việc phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy trong toàn bộ quá trình dạy học là quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học…

Cách kiểm tra đánh giá bộ môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội cũng phải khác nhưng tất cả phải gắn với kết quả thực hành, không phải chỉ ở trên lớp mà cả về nhà, ra xã hội và phải tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Mỗi GV phải làm sao để mỗi giờ lên lớp HS thấy thích học, biết cách tự học, có thói quen học và học kết quả - Đó là quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội.

TS Lê Xuân Trường (Sở GD&ĐT Phú Thọ) khẳng định: Để đổi mới PPDH nhằm phát triển năng lực học sinh thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp PPDH truyền thống và áp dụng phù hợp phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực.

Giáo viên cần cải tiến các PPDH truyền thống để nâng cao hiệu quả và hạn chế của chúng. Như vậy, giáo viên cần nắm vững những yêu cầu và sử dụng thành thạo các kỹ thuật trong việc chuẩn bị cũng như tiến hành bài lên lớp… Cùng đó, mạnh dạn áp dụng các PPDH tích cực, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học nhằm tạo cơ hội để tổ chức các hoạt động học cho học sinh, qua đó phát huy năng lực và phẩm chất học sinh. Tùy từng bài học, điều kiện cơ sở vật chất và đối tượng học sinh mà giáo viên chủ động lựa chọn các PPDH phù hợp…

Ưu điểm của dạy học phát triển năng lực là tạo điều kiện quản lý chất lượng theo kết quả đầu ra đã quy định, nhấn mạnh năng lực vận dụng của học sinh. Tuy nhiên nếu vận dụng một cách thiên lệch, không chú ý đầy đủ đến nội dung học thì có thể dẫn đến các lỗ hổng tri thức cơ bản và tính hệ thống của tri thức. Ngoài ra đáng lưu ý, chất lượng giáo dục không chỉ thực hiện ở kết quả đầu ra mà còn phụ thuộc quá trình thực hiện. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ