(GD&TĐ) - Sáng ngày 16/11 tại trụ sở Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có buổi tiếp đại sứ Cộng hoà Kyrgyzstan, ngài Duishonkul Chotonov.
Khôi phục và tăng vường hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Kyrgyzstan |
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ vui mừng được tiếp ngài Đại sứ đã đến thăm Bộ GD&ĐT ngay sau khi nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô, trong đó có Cộng hoà Kyrgyzstan trong việc đào tạo nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam trước đây.
Ngài đại sứ Cộng hoà Kyrgyzstan bày tỏ vui mừng được nhận công tác tại Việt Nam trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ khẳng định, nhân dân Cộng hoà Kyrgyzstan luôn ghi nhớ tình cảm thân thiện mà Việt Nam dành cho Kyrgyzstan.
Trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam của mình, ngài Duishonkul Chotonov cho biết, thông qua các cuộc gặp giữa các bộ ngành của Việt Nam, ông đã đưa ra những đinh hướng hợp tác cụ thể đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá và giáo dục. Trong đó tập trung kết nối lại sự hợp tác giữa các trường ĐH, Học viện của hai nước, qua đó triển khai các chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên cũng như hợp tác đào tạo. Ngài Duishonkul Chotonov cũng đưa ra để xuất hai bên cần xúc tiến ký kết Hiệp định công nhận tương đương bằng cấp và tiến hành ký biên bản ghi nhớ về hợp tác GD&ĐT…
Ghi nhận những đề xuất của ngài Đại sứ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Việc trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên giữa hai nước có tiềm năng rất lớn và là cơ sở cho việc khôi phục và phát triển các hợp tác truyền thống. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Các cơ quan chức năng của Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán để tiến hành các thủ tục nhằm cụ thể hoá các nội dung trong các biên bản sẽ ký kết với Bộ GD Kyrgyzstan…
Cũng trong sáng ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi tiếp GS Julia King – Phó GĐ ĐH Aston Vương quốc Anh đang có chuyến công tác tại nước ta. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cao vai trò của GS Julia King trong hệ thống giáo dục ĐH của Anh cũng như tầm ảnh hưởng của bà trong các lĩnh vực hợp tác giáo dục trên toàn thế giới.
Khuyến khích sự hiện diện mạnh mẽ hơn của giáo dục Anh tại các cơ sở giáo dục Việt Nam |
Tại buổi làm việc, GS Julia King cho biết: Trong chương trình quốc tế hoá của mình, ĐH Aston đã và đang nỗ lực mở rộng sự hợp tác với các trường ĐH tại các khu vực trên thế giới. Tại châu Á, ĐH Aston đã hợp tác với ĐH Hồng Kông và một trường ĐH của Ấn Độ. Cũng theo GS Julia King, ĐH Aston xác định Việt Nam là nước trọng điểm trong khu vực, chính vì vậy ĐH Aston đã xây dựng chương trình hợp tác với ĐH Đà Nẵng.
Với chương trình hợp tác theo hướng quốc tế hoá này, ĐH Aston muốn xây dựng được hệ thống các trường ở nhiều khu vực khác nhau để từ đó sinh viên của ĐH Aston sẽ có cơ hội học một phần chương trình trong khoá học ở những trường ĐH khác nhau trên toàn cầu. Chương trình hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng và ĐH Aston được đặc biệt chú trọng vào hợp tác nghiên cứu, trao đổi và đạo tạo giảng viên ở các chương trình đào tạo cao học và NCS.
Bên cạnh đó, GS Julia King cũng đề xuất hợp tác với ĐH Đà Nẵng trong việc xây dựng trung tâm đào tạo cho lãnh đạo các doanh nghiệp tại Việt Nam và trong khu vực…
Đánh giá cao chương trình hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng và ĐH Aston, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và khuyến khích sự hiện diện mạnh mẽ hơn của giáo dục Anh tại các cơ sở giáo dục Việt Nam.Thông qua mô hình hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng và ĐH Aston, ngoài việc thúc đẩy hợp tác đào tạo hai bên cũng sẽ tăng cường hơn sự hiểu biết về văn hoá…
Tuy nhiên, để đưa mô hình hợp tác này đi đến thành công, Bộ trưởng Phạn Vũ Luận đề nghị GS Julia King hỗ trợ kêu gọi các tập đoàn tài chính của Anh đang hoạt động ở Việt Nam tham gia đầu tư nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị nghiên cứu tại ĐH Đà Nẵng.
Xuân Tùng, Thanh Tùng