(GD&TĐ)-Theo nhận định của PGS.TS Trần Ngọc Giao – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, xây dụng phát triển đội ngũ là nhiệm vụ cao cả nhất và cũng là thách thức lớn nhất của mọi thủ trưởng; nâng cao chất lượng giáo dục là sứ mệnh vinh quang nhất và cũng khó khăn nhất của mọi nhà giáo và mọi cán bộ quản lý giáo dục.
PGS.TS Trần Ngọc Giao |
Vai trò của hiệu trưởng trong việc đổi mới là rất quan trọng, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng không ít người đứng đầu các cơ sở vẫn còn dè dặt trong việc thực hiện đổi mới. Nhận định của ông thì sao?
- Trong lĩnh vực nào cũng vậy thôi, trước yêu cầu thay đổi và đổi mới, có nhóm tích cực thực hiện, có nhóm lưng chừng dè dặt và có nhóm thờ ơ ngại thay đổi.
Giáo dục liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội, cơ quan quản lý, cộng đồng xã hội và cả công luận cần có cách nhìn nhận đánh giá công bằng, biết trân trọng nâng niu thành quả, bớt khắt khe chi tiết thì có lẽ vấn đề sẽ sáng sủa hơn.
Một số hiệu trưởng chưa nhìn nhận rõ quan điểm đổi mới về quản lý nhà trường, vẫn quản lý bằng mệnh lệnh hành chính theo phương thức chỉ đạo một chiều; chưa chú ý đến sự phát triển năng lực của giáo viên và học sinh; chưa thực sự chủ động, tự chịu trách nhiệm, vẫn chờ đợi sự chỉ đạo của cấp trên. Theo ông, thực trạng này có còn nhiều?
- Tinh thần cơ bản của đổi mới quản lý trong giáo dục là "... thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục" đã được khẳng định trong Luật Giáo dục (2005).
Đã làm hiệu trưởng, thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học... tôi nghĩ hầu hết các hiệu trưởng phải nắm được tinh thần đó, vấn đề là họ thể hiện thế nào qua hoạt động quản lý. Chúng ta lưu ý rằng chìa khóa thành công của công cuộc đổi mới là đổi mới cơ chế quản lý "chuyển từ cơ chế hành chính tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Tinh thần cơ bản của cơ chế đó theo một nghĩa gần gũi nhất là bỏ kiểu quản lý hành chính quan liêu chuyển sang kiểu quản lý coi trong thực tiễn; bỏ kiểu quản lý tập trung chuyển sang kiểu quản lý phi tập trung theo tinh thần phân công phân cấp một cách hợp lý, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho đơn vị cơ sở và dùng tinh thần xã hội chủ nghĩa để tiết chế.
Cũng có thể còn một số hiệu trưởng chưa chú ý đúng mức đến năng lực của giáo viên, chất lượng của học sinh, chưa thật chủ động và còn có tâm lý chờ đợi sự chỉ đạo. Chúng ta cần thống nhất rằng: Nhà trường là đơn vị cơ sở của ngành Giáo dục, trong nhà trường giáo viên là nhân tố hàng đầu và học sinh là ưu tiên hàng đầu.
Phải chăng hạn chế trên là do người hiệu trưởng phải chịu quá nhiều áp lực cũng như nhiều rào cản làm cho họ khó thực hiện sự đổi mới?
- Ở đâu cũng vậy thôi, đã là thủ trưởng, hiệu trưởng thì phải quan tâm lo lắng đến gần như mọi thứ và chịu nhiều áp lực. Vấn đề là cần phải biết xác định ưu tiên, biết nhận ra áp lực nào là cần tập trung giải tỏa. Để lựa chọn ưu tiên, tập trung vào việc chính thì có lẽ cũng cần luôn luôn nhớ rằng xây dựng phát triển đội ngũ là nhiệm vụ cao cả nhất và cũng là thách thức lớn nhất của mọi thủ trưởng, nâng cao chất lượng giáo dục là sứ mệnh vinh quang nhất và cũng khó khăn nhất của mọi nhà giáo và mọi cán bộ quản lý giáo dục.
Phát triển giáo dục là sự nghiệp chung, là người trong cuộc chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp, những gợi ý gần gũi với hơi thở của cuộc sống. Sự đánh giá khắt khe cũng đôi khi cũng cần thiết nhưng nhiều lúc cũng làm cho những nhà giáo tâm huyết chạnh lòng.
Theo ông chân dung của hiệu trưởng thời kì mới phải thế nào?
- Gần như không có mô thức quản lý chung để thành công cho mọi nhà trường nhưng theo thôi có vài điều khá cốt lõi để người hiệu trưởng tham khảo để có thể thành công:
Có niềm tin và tự tin dám nghĩ dám làm nhưng phải thực tế và không liều lĩnh, "trung tâm của giáo dục là sự thật và thực tiễn"
Biết thu thập và xử lý các thông tin liên quan đến lãnh đạo quản lý nhà trường nhưng không quá chi li vụn vặt.
Biết liên kết hợp tác nhưng không xô bồ và trong cơ chế thị trường có khi người ta đề cao năng lực cạnh tranh nhưng chú ý thêm rằng người có năng lực cạnh tranh tốt nhất là người biết liên kết hợp tác tốt nhất.
Trong giai đoạn này, toàn ngành đang rất quan tâm đến vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Điều thành công làm cho chúng ta tự hào là đã chuyển được một nền giáo dục dành cho bộ phận số ít - tinh hoa sang một nền giáo dục phổ cập - cho số đông, nhưng điều làm xã hội và chúng ta lưu tâm nhiều nhất là giáo dục của chúng ta còn là nền giáo dục ứng thí, truyền thụ làm cho người học thiếu chủ động tự tin, chưa chú ý nhiều đến “thực học".
Phải thay đổi thế nào và bắt đầu từ đâu? Đó là câu hỏi khó nhưng cũng đã le lói cách làm có nhiều hy vọng. Các hiệu trưởng và các giáo viên bậc phổ thông có thể tìm hiểu vấn đề này bằng việc quan tâm đên dự án "Mô hình trường học mới Việt Nam "(VNEN) mà Bộ GD&ĐT đang triển khai.
Hiếu Nguyễn thực hiện