Phát triển đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục

Phát triển đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục

(GD&TĐ) - Thực hiện kế hoạch năm học và sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, sáng nay ngày 15/10/2011 tại thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La), Sở GD&ĐT Điện Biên (đơn vị trưởng vùng I) phối hợp với Sở GD&ĐT Sơn La tổ chức Hội nghị giao ban công tác thi đua vùng I lần thứ nhất năm học 2011 – 2012. Tham dự Hội nghị có: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Ngọc Toa, Phó Chủ tịch Công đoàn GD VN Hồ Thị LamTrà; lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ GD&ĐT; lãnh đạo, cán bộ phụ trách văn phòng, cán bộ phụ trách thi đua thuộc 15 Sở GD&ĐT vùng I.

Vùng thi đua số 1 gồm 15 tỉnh miền núi phía Bắc (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh), đồng thời cũng là những tình còn gặp nhiều khó khăn nhất nước ta, trong đó có những khó khăn đặc thù về GD&ĐT. Tuy vậy, với sự nỗ lực của ngành cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân, GD&ĐT ở khu vực này đã không ngừng phát triển, từng bước tiếp cận với mặt bằng chung của cả nước.

Báo cáo tổng hợp tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2011 – 2012 của 15 Sở GD&ĐT trong vùng do ông Lê Văn Quý (Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, đơn vị trưởng vùng) đã cho thấy sự chủ động và tích cực của ngành GD&ĐT các tỉnh trong việc tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh ban hành các văn bản kịp thời và hữu hiệu để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học và thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT phát triển.

Bản thân các Sở GD&ĐT cũng đã ban hành các văn bản kịp thời để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Nhờ đó, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2011 – 2012 được chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời, tạo nền tảng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học của các tỉnh.

Bước vào năm học này, hệ thống mạng lưới trường, lớp và quy mô HS ngành GD&ĐT các tỉnh thuộc vùng thi đua số I tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển từ mầm non tới các cơ sở GD chuyên nghiệp, theo đánh giá đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong vùng. Thống kê của đơn vị trưởng vùng cũng cho thấy tổng số trường mầm nom và phổ thôpng trong toàn vùng tính tới thời điểm này là 9298 trường; tổng số HS phổ thông là 2.222.648 em.

So với năm học trước, số trường mầm non và tiểu học cũng đã tăng mạnh (cấp mầm non tăng 111 trường; cấp tiểu học tăng 51 trường). Đặc biệt để chuẩn bị cho năm học này, từ trước đó các Sở GD&ĐT đã tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản; huy động các nguồn lực nâng cấp, sửa chữa và xây mới các phòng học, phòng chức năng, nhà nội trú và nhà công vụ (bước vào năm học, toàn vùng đã xây mới được 3.524 phòng học, sửa chữa 5.494 phòng học).

Lãnh đạo các Sở GD&ĐT vùng I ký cam kết thi đua
Lãnh đạo các Sở GD&ĐT vùng I ký cam kết thi đua

Bên cạnh hệ thống mạng lưới trường lớp, tình hình đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo ở các địa phương trong vùng cũng đã có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận trong năm học này, cả về chất lượng lẫn số lượng. Tuy vậy thống kê cũng cho thấy những khó khăn cơ bản về đội ngũ từng tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để như tình trạng chưa đồng bộ, thiếu - thừa cục bộ trong đội ngũ giáo viên phổ thông ở một số nơi, nhất là đối với các vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Một bộ phận nhỏ giáo viên trình độ, năng lực chuyên môn còn chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ và tin học.

Đối với các tỉnh vùng cao, khá phổ biến tình trạng thiếu giáo viên mầm non, giáo viên các bộ môn đặc thù (âm nhạc, mỹ thuật, GDQP, ngoại ngữ, tin học...) trong khi một số tỉnh lại có hiện tượng dư thừa giáo viên THCS. Bên cạnh đó là khó khăn đặc về việc luân chuyển đội ngũ tại những vùng khó về vùng thuận lợi sau thời hạn phục vụ (nam là 5 năm, nữ 3 năm)... Đây cũng là những vấn đề bức xúc trung của hầu hết các tỉnh miềm núi và vùng cao nước ta trong nhiều năm qua.

Để giải quyết phần nào các khó khăn này, hiện một số biện pháp chủ yếu đang được ngành GD&ĐT các tỉnh thuộc vùng I thực hiện là tiến hành luân chuyển có thời hạn từ 1 đến 3 năm đối với giáo viên trong phạm vi các huyện, thành phố, thị xã; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng quy hoạch và thực hiện theo lộ trình kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, chú ý đối tượng giáo viên các bộ môn đặc thù, từng bước đảm bảo về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển GD địa phương.

Bên cạnh đó là những nỗ lực cần ghi nhận các của ngành GD&ĐT các tỉnh trong vùng như thực hiện tốt các chế độ, chính sách hiện hành về thu hút tuyển dụng giáo viên phổ thông; thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên đề; đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên kịp thời theo quy định... nhằm tạo điều kiện để các cán bộ, giáo viên yên tâm công tác và dành tâm lực cống hiến cho ngành và xã hội.

Một điểm khác đáng ghi nhận trong triển khai năm học của ngành GD&ĐT 15 tỉnh miền núi phía Bắc cũng được đề cập là tình hình thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ngay trước thềm năm học, 100% số trường học trong vùng từ mầm non đến phổ thông đã đăng ký tham gia phong trào. Đánh giá của đơn vị trưởng vùng cũng cho thấy phong trào đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường GD an toàn, thân thiện, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc phối hợp thực hiện “3 đủ” (một nội dung trọng tâm của phong trào thi đua này) đã phần nào giúp cho HS bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần khắc phục tình trạng HS bỏ học vì những lý do khó khăn trong sinh hoạt và học tập.

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo đơn vị trưởng vùng trình bày báo cáo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học và dự thảo kế hoạch thực hiện công tác thi đua khen thưởng vùng I năm học 2011 – 2012, Hội nghị đã bước vào nội dung quan trọng thảo luận về công tác triển khai năm học và kế hoạch thi đua. Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến tham luận của đại diện lãnh đạo công đoàn ngành các Sở GD&ĐT, lãnh đạo các Sở GD&ĐT trong vùng; trong đó, bên cạnh việc chia sẻ các sáng kiến kinh nghiệm, các ý kiến pháp biểu cũng đặt ra nhiều đề xuất, kiến nghị với Bộ xung quanh các nội dung trọng tâm như: các nội dung đánh giá thi đua; quy chế tuyển dụng, luân chuyển, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên; kinh phí thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ; phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT hàng năm, chính sách cho HS bán trú tại các trường THPT, TT GDTX...  

Nhiều nội dung quan trọng trong các ý kiến phản ánh, đề xuất và kiến nghị này đã được đại diện Công đoàn GDVN, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục và Văn phòng Bộ GD&ĐT giải đáp ngay tại phiên thảo luận của Hội nghị; đồng thời cũng bổ sung, cung cấp thêm những thông tin mới về chỉ đạo quản lý trong ngành.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu kết luận Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao các kết quả đạt được bước đầu năm học 2011 – 2012 của ngành GD&ĐT các tỉnh thuộc vùng 1; trong đó nhấn mạnh về sự phát triển đáng ghi nhận của hệ thống mạng lưới trường lớp, đội ngũ cán bộ giáo viên, việc thực hiện các chính sách quy định đối với đội ngũ; các nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học, hạn chế HS bỏ học; các kết quả thiết thực từ phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”....

Thứ trưởng nêu rõ trong định hướng phát triển GD&ĐT hiện nay, các tỉnh cần căn cứ chặt chẽ vào các tiêu chí Chính phủ đã đề ra trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó có các mục tiêu trọng tâm như dạy nghề, phát triển giáo dục mầm non, xây dựng trường chuẩn quốc gia...

Thứ trưởng nhấn mạnh lại quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới luôn coi GD&ĐT là tiêu chí quan trọng nhất trong 19 tiêu chí đặt ra về xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu cụ thể đề ra đến năm 2015 cả nước phải có 70% số xã đạt chuẩn về GD, đến năm 2020 phấn đấu đưa con số này lên 100%. Căn cứ mục tiêu này, Thứ trường đề nghị các Sở chủ động tham mưu với lãnh đạo địa phương và xây dựng kế hoạch thực hiện trên cơ sở điều kiện riêng của địa phương mình.

Đối với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học, Thứ trưởng lưu ý việc phát triển đội ngũ giáo viên là yêu cầu quan trọng nhất để phát triển GD đối với các tỉnh vùng I. Phát triển đội ngũ, theo Thứ trưởng, cần hướng tới chất lượng thật chứ không chỉ chú trọng về số lượng; việc phân bố cơ cấu đội ngũ hợp lý cũng cần phải quyết liệt hơn nữa...

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh trong đổi mới GD cần chú ý trọng tâm dân chủ hóa trong GD, tăng cường tự chủ cho các cơ sở GD; trong đầu tư CSVC chú trọng vào chuẩn hóa, hiện đại hóa. Các nguồn kinh phí cần phong phú hơn với yêu cầu đầu mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa chứ không chỉ trông chờ riêng vào nguồn ngân sách quốc gia.

Ngoài ra, trong kết luận của mình, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng dành thời gian giải đáp thêm về một số vấn đề trọng tâm mà Hội nghị đã đặt ra trong phần thảo luận như vấn đề chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ giáo viên, chính sách cho giáo viên và HS trường Bán trú, công tác kiểm tra đánh giá, yêu cầu giảm tải...

Trước khi kết thúc Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đại diện lãnh đạo Công đoàn GDVN và đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng, lãnh đạo các Sở GD&ĐT vùng I đã ký giao ước thi đua, triển cơ sở kế hoạch thực hiện công tác thi đua – khen thưởng vùng I năm học 2011 – 2012 đã được đơn vị trưởng vùng trình bày và thông qua trước đó.  

Nhất Nguyên 

Thống kê kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia trong vùng thi đua số I cho thấy toàn vùng hiện có 1.889/9.298 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 20,3%. Có 01 tỉnh có số trường đạt chuẩn quốc gia trên 50% là Bắc Giang (57%); 02 tỉnh có trường chuẩn quốc gia đạt trên 30% là Phú Thọ (38,55%) và Quảng Ninh (37,2%); 03 tỉnh có số trường chuẩn quốc gia đạt trên 20% là Lào Cai (26,49%), Điện Biên (21,58%) và Yên Bái (20,25%). Các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia là Hà Giang (chỉ có 8,01 %), Sơn La (6,11%), Lai Châu (6,52%) và Cao Bằng (4,21%). Đặc biệt số lượng trường chuẩn quốc gia cấp THPT trong vùng còn ít (chỉ có 47 trường); trong đó 4 tỉnh là Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang và Tuyên Quang đến nay vẫn chưa có trường chuẩn quốc gia cấp THPT.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ