(GD&TĐ)- Phát triển doanh nghiệp Xã hội qua các trường ĐH Việt Nam - Thách thức và cơ hội là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân sáng nay (9/4) với sự tham gia của các đại biểu đến từ Uỷ ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, Bộ GD&ĐT, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), Hội đồng Anh tại Việt Nam; các báo cáo viên, nhà nghiên cứu, giảng viên một số nước (Anh, Mỹ, Philippin), giảng viên của trên 10 trường ĐH khu vực phía Bắc và phía Nam.
Ảnh: gdtd.vn |
Doanh nghiệp xã hội, hình thức tổ chức kinh tế mới đang trở thành trào lưu phát triển rất nhanh trên thế giới và ở Việt Nam. Doanh nghiệp xã hội lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo, có thể dưới dạng các tổ chức từ thiện, các tổ chức xã hội, các tổ chức vì cộng đồng phi lợi nhuận hoặc doanh nghiệp xã hội có lợi nhuận hoặc là kết hợp cả hai mô hình trên.
Khuyến khích thành lập doanh nghiệp xã hội đang là chủ trương lớn của nhiều quốc gia bởi đây là mô hình doanh nghiệp khả thi góp phần giúp các chính phủ giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp xã hội không chỉ đóng góp vào GDP quốc gia mà còn đem lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng.
Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp xã hội gặp nhiều khó khăn thách thức do chưa có những quy định pháp lý chính thức về sự tồn tại, cơ chế hoạt động cũng chưa có cơ chế ưu đãi riêng . Bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, năng lực sản xuất…
NCS.Nguyễn Thu Thủy – Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, để khuyến khích thành lập doanh nghiệp xã hội, bên cạnh vai trò của các thể chế kinh tế, quy chế đặc biệt dành cho doanh nghiệp xã hội của cính phủ, các quỹ từ thiện phi chính phủ … có vai trò đặc biệt quan trọng của các trường ĐH trọng đào tạo, hướng nghiệp. Bởi thành lập các doanh nghiệp xã hội đòi hỏi các doanh nhân xã hội phải là người thực sự tâm huyết và có kỹ năng để không chỉ vượt qua những thách thức trong quá trình khởi sự doanh nghiệp giống như những doanh nghiệp khác mà còn phải đương đầu với việc phải xác định, huy động được các hỗ trợ tài chính, phi tài chính để đạt được các mục tiêu xã hội.
Nhiều đại biểu cho rằng, việc đưa nội dung đào tạo về doanh nghiệp xã hội vào quá trình đào tạo quản lý và quản trị kinh doanh ở các trường ĐH kinh tế và quản trị kinh doanh ở Việt Nam là cách thiết thực và hiệu quả nhất để các trường ĐH Việt Nam góp phần vào việc giải quyết các vấn đề xã hội và đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Hiếu Nguyễn