Phát triển chợ đầu mối: Vướng nhiều rào cản

GD&TĐ - Mặc dù thị trường đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của hình thức thương mại điện tử, thay đổi rõ rệt hoạt động giao thương của các cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, chợ đầu mối với cách thức hoạt động truyền thống vẫn tiếp tục khẳng định vai trò và chức năng trên thị trường.

Một góc chợ Đồng Xuân
Một góc chợ Đồng Xuân

Thiếu những “động tác” cần thiết để phát triển

“Các chợ đầu mối được hình thành và tập trung chủ yếu ở vùng có quy mô dân số lớn, có nhiều cơ sở tiêu thụ lớn, vừa là đầu mối giao thông với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển hoặc vùng sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn và cơ cấu đa dạng. Phạm vi ảnh hưởng chính của các chợ đầu mối là liên tỉnh và liên vùng.

Cả nước có 8.539 chợ (tính đến cuối năm 2017), gần 75% chợ đầu mối nằm ở khu vực nông thôn” - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cuối tháng 6 vừa qua đã đưa ra thông tin, nhận định về chợ đầu mối ở Việt Nam. Các tỉnh tập trung nhiều chợ đầu mối là Thanh Hóa (11 chợ), Quảng Bình (11 chợ), Hà Nội (6 chợ), Đồng Tháp (3 chợ), Tiền Giang (3 chợ), Hưng Yên (4 chợ), Hồ Chí Minh (3 chợ), Nam Định (3 chợ)..., chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp.

Các chuyên gia trong và ngoài nước cùng lắng nghe phân tích về thực trạng chợ đầu mối Việt Nam (cuối tháng 6 vừa qua tại Hà Nội)
Các chuyên gia trong và ngoài nước cùng lắng nghe phân tích về thực trạng chợ đầu mối Việt Nam (cuối tháng 6 vừa qua tại Hà Nội) 

Theo ông Nguyễn Văn Hội (Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước), chợ đầu mối là một kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng; góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển.

Chợ đầu mối cũng góp phần nâng cao năng lực kinh doanh của các nhà bán buôn, bán lẻ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đồng thời tham gia bình ổn giá thị trường, giải quyết việc làm cho nhiều lượt lao động trên địa bàn chợ hoạt động.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho một chợ đầu mối là khá cao (trung bình khoảng 40 tỷ đồng). Trong khi nguồn từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế, vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vẫn là chủ yếu trong xây dựng và phát triển mạng lưới chợ đầu mối.

Vấn đề xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ đang đặt ra nhiều thách thức. Đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào phát triển các loại hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại (như siêu thị) ở các thành phố lớn, chưa có đầu tư nào của nước ngoài vào phát triển chợ đầu mối.

“Cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, cũng như chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là đối với chợ đầu mối còn hạn chế, chưa phù hợp, đối tượng được hưởng cũng chỉ trong phạm vi hẹp, hầu như không có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng...” - ông Nguyễn Văn Hội cho biết một thực trạng.

Các chợ đầu mối dù đã đáp ứng nhu cầu về không gian mua bán, lưu giữ hàng hóa trong ngày, nhưng diện tích dành cho xây dựng hệ thống kho, bãi đỗ xe và đường giao thông nội bộ cho xe vận chuyển hàng hóa còn hạn chế. Một số chợ diện tích quá nhỏ, đã trở nên quá tải, nhất là vào thời điểm mùa vụ, làm hạn chế lượng hàng hóa và xe cộ lưu thông qua chợ.

Đáng chú ý là đa số các chợ đầu mối vẫn áp dụng phương thức giao dịch truyền thống (giao ngay, giao trực tiếp tiền - hàng hóa) là chủ yếu. Những hoạt động mua - bán qua hợp đồng còn ít trong chợ đầu mối, cũng không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Chủ yếu những người kinh doanh ở chợ đầu mối gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại, chuyển đến chợ đầu mối rồi bán lại. Nguồn hàng ở chợ đầu mối hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc truy nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Do đó, các chợ hiện chủ yếu chỉ là đầu mối hàng phân phối cho các tỉnh lân cận, thiếu “động tác” kiểm tra chất lượng trước khi bán đến tay người tiêu dùng.

Trong khi đó, việc kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh, siêu thị khá hạn chế. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng như rau, củ, quả… chủ yếu được người dân từ các nơi tự chuyển trực tiếp đến bán tại các chợ. Việc khai thác thị trường, quảng bá sản phẩm nên hàng hóa tại chợ đầu mối chưa đủ điều kiện để cung cấp được cho các siêu thị (phần lớn hàng hóa tại siêu thị được chủ siêu thị mua trực tiếp của các nhà sản xuất có thương hiệu).

Vụ Thị trường trong nước cũng khẳng định rằng: Hiện các tỉnh, thành phố đều đã quan tâm tính liên kết phát triển hàng hóa giữa các địa phương, trong việc lưu thông hàng hóa giữa các chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản khi xây dựng chợ. Nhưng trên thực tế việc gắn kết giữa các địa phương trong triển khai thực hiện quy hoạch phát triển chợ, trong việc thu hút các dự án đầu tư vào phát triển các loại hình chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản còn hạn chế.

“Các công trình xây dựng chợ đầu mối đòi hỏi những yêu cầu đặc biệt về địa điểm xây dựng như có diện tích đất lớn, thuận lợi giao thông thủy, bộ. Ngoài ra, các công trình hạ tầng chợ còn liên quan đến vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Trong khi quỹ đất của nước ta ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hoá” - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phân tích thực trạng - “Các dịch vụ hỗ trợ mua bán, như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ giám định và kiểm tra chất lượng hàng hoá lưu thông, dịch vụ phân loại, bao gói, bảo quản hàng hoá nông sản, dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin thị trường, hay dịch vụ quảng cáo, dịch vụ kế toán, dịch vụ tư vấn pháp lý… Hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ, kể cả những chợ đầu mối nông sản quy mô lớn”.

Cần nhận thức lại cho xứng tầm

“Nhận thức chưa đúng, chưa đủ và chưa thống nhất về vị trí, vai trò cũng như tiềm năng của thương mại. Do đó đầu tư cho hạ tầng thương mại, trong đó có chợ đầu mối chưa thật sự được quan tâm” - ông Nguyễn Văn Hội chỉ ra nguyên nhân.

Đáng nói là trong hoạt động thương mại, vị trí đất là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay quy hoạch ngành chưa gắn với quy hoạch vùng lãnh thổ, do đó thiếu mặt bằng thuận lợi để bố trí hoạt động thương mại như chợ đầu mối.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hội: “Tại một số địa phương, quy hoạch chợ đầu mối còn mang tính định hướng, hoặc chưa đồng bộ (với các quy hoạch ban hành sau này), dẫn đến thực tế triển khai còn lúng túng, khó thực hiện”.

Việc phát triển mạng lưới chợ đầu mối theo các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt. Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc cũng đã xác định những địa điểm phù hợp để xây dựng chợ. Giải pháp cần ưu tiên hiện nay là lựa chọn cho chợ đầu mối các vị trí có quỹ đất phù hợp, thuận lợi kết nối giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Bên cạnh đó cần khai thác được đất phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp có hiệu quả thấp có thể chuyển đổi sang đất thương mại dịch vụ. ”Các địa phương cần xác định rõ tính chất của từng dự án chợ để bố trí và cấp quỹ đất phù hợp, mức giá cho thuê hợp lý để thương nhân có thể đầu tư xây dựng chợ đạt hiệu quả” - ông Nguyễn Văn Hội lưu ý.

Bên cạnh đó cần rà soát, bổ sung, tích hợp các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại. Bộ Công Thương cũng cho rằng, các Bộ, ngành có liên quan cần hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại, trong đó có chợ đầu mối. Cũng như nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm hỗ trợ, khuyến khích công tác đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại.

“Đối với các tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách còn khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, có nhu cầu bức xúc về chợ nhưng không có khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và vốn của cư dân trên địa bàn để đầu tư phát triển chợ Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản, chủ yếu là về cơ sở hạ tầng như chi phí đền bù, giải tỏa, san lấp mặt bằng, chi phí lắp đặt điện nước và làm đường đi lại trong chợ”- Vụ Thị trường trong nước nêu giải pháp.

Thêm nữa, để phát triển chợ đầu mối xứng với vai trò, quy mô cần thiết thì Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển các hệ thống giao thông đường bộ kết nối với chợ đầu mối.

Giải pháp quan trọng là cần khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức đầu tư hoặc liên kết, hợp tác cùng đầu tư xây dựng (kể cả xây mới và nâng cấp, mở rộng) và sau đó là quản lý kinh doanh khai thác chợ đầu mối. Cũng cần tạo lập môi trường, điều kiện thuận lợi nhằm phát triển các phương thức kinh doanh, giao dịch hiện đại, qua đó nâng cao hiệu quả giao dịch của chợ nông sản, chợ đầu mối có khối lượng giao dịch lớn, phạm vi lan tỏa rộng.

Bên cạnh đó, cần giám sát và thực thi tiêu chuẩn để đưa hàng hoá ra thị trường thông qua các chợ đầu mối một cách chặt chẽ, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Bùi Bá Chính (Chuyên gia phụ trách trung tâm mã số mã mạch quốc gia - Tổng cục đo lường chất lượng) cho rằng: Để đảm bảo có được mối liên kết, sự giao lưu chợ đầu mối của Việt Nam và các nước, cần phải xây dựng mã vạch lưu hành tại các chợ đầu mối.

Tổ chức mã số mã vạch quốc tế gồm 100 thành viên và Việt Nam cũng đã là thành viên của tổ chức mã số mã vạch quốc tế. Đây là tổ chức cung cấp  mã số mã vạch dán trên các sản phẩm, vật phẩm, hiện tại đang lưu hành quốc tế và Việt Nam, đặc biệt là lưu hành tại siêu thị và các chợ đầu mối lớn trên thế giới. Qua cơ sở dữ liệu được đăng ký, thông tin mã số mã vạch đang xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu, các công ty cung cấp giải pháp truy suất nguồn gốc, để làm sao sản phẩm ở chợ đầu mối có thể được truy xuất đến tận nơi sản xuất, quá trình tạo ra sản phẩm.

Trong quá trình tham gia quy trình phân phối, nếu sản phẩm của công ty không có thông tin mã vạch để truy xuất nguồn gốc thì có thể gặp khó khăn, không thu hút được khách hàng, do đó niềm tin của khách hàng với nơi sản xuất và phân phối sản phẩm bị giảm sút. Thiệt hại với nhà cung cấp không rõ ràng thông tin trên sản phẩm hàng hóa là trước mắt, ngoài ra hàng hóa, sản phẩm không có thông tin nguồn gốc (để người tiêu dùng truy xuất) có thể bị làm nhái, lấy cắp, làm giả.

Yêu cầu hiện đại hoá chợ đầu mối đòi hỏi phải có đội ngũ quản lý chợ chuyên nghiệp, phát triển lực lượng này thông qua tăng cường đào tạo, phổ biến cho cán bộ quản lý về kiến thức và kỹ năng kinh doanh chợ, có kiến thức hiểu biết về pháp luật… là những yếu tốt cần thiết cần hướng tới đổi mới và phát triển hệ thống chợ đầu mối của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.